Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - hướng phát triển bứt phá cho cả Singapore và Việt Nam

Singapore là một nước nhỏ trong khu vực, với nguồn lực tài nguyên hạn hẹp nhưng đã đạt được những thành tựu về kinh tế, khoa học kỹ thuật vượt trội trong hơn 50 năm qua. Điều đó một phần là do quyết tâm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh mục tiêu này trong kỷ nguyên vươn mình và giới chuyên gia tại Singapore nhận định đây là hướng phát triển bứt phá không chỉ cho Singapore, mà còn cả Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Hà Sơn Tùng- chuyên viên cao cấp, Phó Trưởng khoa công nghệ quang học tiên tiến, Viện Hàn lâm Khoa học Singapore, A*STAR, cho biết để Singapore có thể vươn lên từ một nước thuộc thế giới thứ 3 lên thứ nhất trong chỉ một thế hệ, họ đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách chiến lược. Theo đó, nước này ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng tới nền giáo dục có trọng tâm trọng điểm, đáp ứng nhu cầu về lao động trong lĩnh vực cần phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, Singapore cũng thu hút đầu tư thông minh, trong đó tạo điều kiện về chính sách, ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài, thành lập những viện nghiên cứu chính phủ để hỗ trợ, hợp tác nghiên cứu sản phẩm và đào tạo nguồn lao động bản địa chất lượng cao. Ngoài ra, Singapore tích cực đầu tư khoa học trọng điểm và mang tính thực tiễn, tức là phải dựa trên những thế mạnh trong nền công nghiệp của mình, nhưng cũng sẵn sàng cho tư duy về đổi mới sáng tạo, nắm bắt xu thế công nghệ tương lai và không đứng ngoài cuộc.

Một kinh nghiệm của Singapore trong đổi mới sáng tạo là vai trò của nhà nước để giúp doanh nghiệp và giới khoa học tìm được tiếng nói chung và cùng hướng về một mục tiêu thống nhất. Theo ông Hà Sơn Tùng, điều này đòi hỏi sự dẫn dắt của nhà nước về 3 mặt: Chiến lược, cơ chế và quản lý. Về mặt chiến lược, cần xác định được những ngành trọng điểm để đầu tư. Về mặt cơ chế, đây là vấn đề cấp thiết để tạo ra khung hành lang pháp lý, chất xúc tác để kích thích sự tham gia của doanh nghiệp và người làm nghiên cứu. Cách đây vài năm, Việt Nam cũng đã có những cơ chế thử nghiệm linh hoạt hay còn gọi là Sandbox trong công nghệ blockchain. Đó cũng là một trong những lý do Việt Nam có sự bùng nổ về ứng dụng trong lĩnh vực blockchain và tiền ảo, mà tiêu biểu là những startup đã gây tiếng vang trên toàn cầu như: Axie Infinity hay Kyber Network. Về mặt quản lý, điều cốt lõi là tạo được sự cộng hưởng giữa cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam và doanh nghiệp để tạo ra được những công trình thiết thực, mang lại giá trị kinh tế.

Chia sẻ hướng đi từ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo của Singapore, ông Phạm Quang Cường - từng là Phó Giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang, nay là Giám đốc điều hành (CEO), đồng sáng lập Công ty Eureka Robotics tại Singapore, nhấn mạnh: “Yếu tố quan trọng để giúp đất nước dân giàu nước mạnh là phải tập trung vào mảng sản xuất. Trong đó, để phát triển bền vững, Việt Nam phải sở hữu được các công nghệ sản xuất. Việt Nam phải có nội lực từ trong nước và đứng ra phát triển được và sở hữu được các công nghệ trong quá trình sản xuất”. Ông nhấn mạnh Singapore đầu tư rất bài bản vào công nghiệp sản xuất, cứ 5 năm lại có kế hoạch để phát triển công nghệ sản xuất trong giai đoạn đó.

Theo ông Phạm Quang Cường, Việt Nam có những bước đi nhanh để đón đầu trong mảng số hóa. Điều quan trọng để phát triển bền vững là phải có nhiều ứng dụng sâu vào công nghiệp sản xuất. Trong khi đó, ứng dụng AI và tự động hóa trong công nghiệp sản xuất sẽ không nhanh và khó có thể đi tắt, cần nhiều kiên trì để có thể phát triển bài bản. Đội ngũ phát triển công nghệ AI và phần mềm ở Việt Nam rất mạnh, nhưng sẽ cần các công ty khởi nghiệp có nhiều tham vọng, xây dựng được các công nghệ lõi ứng dụng trong ngành sản xuất. Việt Nam cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các trường đại học, các đội ngũ kỹ sư AI, tự động hóa để xây dựng nguồn nhân lực, đồng thời đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Ông nhấn mạnh: “Không nhất thiết đầu tư quá nhiều cho một công ty khởi nghiệp, mà có thể sử dụng nhân lực chất lượng để phát triển sản phẩm đột phá. Đây là điểm mạnh để Việt Nam vươn lên và cạnh tranh với các công ty trên thế giới, ngay cả không có nhiều nguồn vốn”. Tuy nhiên, chính phủ cũng có thể nghiên cứu thêm các quỹ đầu tư để mở ra các dự án đầu tư lớn hơn, giúp kích thích phát triển nhanh hơn nữa để cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới.