Theo đó, việc thực hiện các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đồng bộ, toàn diện, tập trung với tần suất cao nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường; đặc biệt là vi rút gây bệnh như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu bò, dại chó, mèo. Cùng với đó, hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật; ngăn ngừa bệnh động vật lây sang người, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng động, môi trường và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.
Thời gian triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng căn cứ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm thực tế của các địa phương, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn tỉnh năm 2025 theo từng đợt cụ thể; nội dung, tần suất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TTBNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Lực lượng chức năng rải vôi tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức phun xịt hóa chất, rải vôi tiêu độc, khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; trước khi phun hóa chất sát trùng, rải vôi phải làm sạch đối tượng tiêu độc, khử trùng bằng biện pháp cơ học (phát 2 quang, quét dọn, cạo, cọ rửa...). Đồng thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và các phương tiện, dụng cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng. Người tham gia thực hiện phải được trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động như: Bình bơm, khẩu trang, ủng,... và được trang bị kiến thức về vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật; đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Đối với lực lượng tham gia sẽ căn cứ tình hình thực tế, UBND các huyện, thành phố huy động lực lượng người dân trên địa bàn tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; UBND cấp xã chịu trách nhiệm thành lập các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tập trung cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu... Trong đó, nòng cốt là lực lượng đã, đang tham gia tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; công nhân của các đội vệ sinh Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận. UBND các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh cử cán bộ về các địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tiêu độc, khử trùng.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường căn cứ tình hình dịch tễ, dịch bệnh gia súc, gia cầm thực tế của các địa phương, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để tham mưu UBND tỉnh phát động triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2025. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời các tình huống bất thường xảy ra đối với môi trường trong quá trình sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền quy định. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp thuốc sát trùng cho các địa phương; hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tiêu độc, khử trùng tại các địa phương...
B.H