* Ninh Thuận: Có 9 cơ chế, chính sách đặc biệt cho tỉnh áp dụng khi triển khai dự án.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 459/460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96.03% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án ĐHN Ninh Thuận. Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án ĐHN Ninh Thuận gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án ĐHN Ninh Thuận, gồm nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, Nghị quyết cho tỉnh áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt trong quá trình triển khai dự án ĐHN Ninh Thuận. Cụ thể:
Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh 70% số tăng thu từ triển khai Dự án nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận.
Được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Phân bổ thêm 40% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, mua sắm, xây lắp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Dự án. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án: Được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản được điều chỉnh, đưa ra khỏi kế hoạch đấu giá để cấp giấy phép khai thác mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông) đã cấp phép khai thác, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được nâng công suất khai thác không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương dự án đầu tư điều chỉnh, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác. Sau khi đã cung cấp đủ nguồn vật liệu cho thi công Dự án thì các doanh nghiệp được cấp phép tiếp tục khai thác với công suất ghi trong Giấy phép khai thác đã cấp trước đó; Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trường hợp phải cấp phép khai thác mỏ mới để đáp ứng nhu cầu cho Dự án thì được áp dụng cơ chế đặc thù cấp phép tương tự việc khai thác khoáng sản nhóm IV (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 và điểm c, d khoản 2 Điều 73 Luật Địa chất và Khoáng sản).

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tham gia kỳ họp.
Cho phép nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách tỉnh được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.
Được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng Dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) với 1,5 lần.
Cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án đối với người đang sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như đối với người dụng đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Được phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của Dự án.
Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư các dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm các dự án đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; đồng thời khẩn trương triển khai dự án. Quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và các hoạt động khác có liên quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn phóng xạ, môi trường theo quy định của Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ chương đầu tư dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đàm phán điều ước quốc tế với các đối tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...
Xuân Bính