Kiến nghị thêm các cơ chế đặc thù khi làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thảo luận tại Tổ chiều 14/2 về Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc Hội khóa XV, ngoài các cơ chế đặc thù Chính phủ đề nghị, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị cần có thêm các chính sách nữa cho tỉnh Ninh Thuận để thuận lợi khi làm dự án ĐHN tại đây.

Theo kế hoạch khởi động lại ĐHN, hai nhà máy đầu tiên của Việt Nam sẽ đặt tại tỉnh Ninh Thuận. Tại dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù xây dựng ĐHN, Chính phủ đề nghị loạt chính sách đặc thù để Ninh Thuận thuận lợi trong quá trình chuẩn bị, xây nhà máy ĐHN, như: Hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án ĐHN. Tỉnh cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Ninh Thuận, có thể được áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy ĐHN. Bên cạnh đó, tỉnh được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án ĐHN…

Toàn cảnh buổi thảo luận tổ. 

ĐBQH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện cho Ninh Thuận có nguồn lực thực hiện sứ mệnh của mình trong công tác đầu tư xây dựng dự án ĐHN Ninh Thuận. Theo ĐBQH Phan Xuân Dũng, 15 năm trước, chuẩn bị cho xây dựng nhà máy ĐHN, vị trí nhà máy ĐHN thấp hơn hiện nay khoảng 150 m. Như vậy việc giải tỏa đền bù bây giờ chắc phải khác trước. Thứ nhất, mức đền bù bây giờ chắc phải khác so với cách đây hơn 15 năm chúng ta dự kiến. Thứ hai, diện tích số dân bây giờ khác trước rất nhiều và rộng hơn, bởi vì đưa độ cao lên khoảng 150m. Theo đó, đại biểu đề nghị, nên cân nhắc bổ sung thêm những vấn đề liên quan việc di dân, tái định cư.

Theo đại biểu Phan Xuân Dũng, cũng cách đây 15 năm, với tư cách trong Đảng đoàn Quốc hội khi về Ninh Thuận, ông được người dân chia sẻ “Trong chiến tranh, trong kháng chiến, chúng tôi theo lời Đảng, theo lời Bác Hồ để di chuyển thì bây giờ, để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”. Những câu nói thực sự rất cảm động với chúng tôi, những người được giao trách nhiệm lấy ý kiến bà con, cô bác tại Ninh Thuận. Sau ý kiến này, chúng tôi đã báo cáo tại Trung ương, với những người dân ở đây như vậy, chúng ta không có lý do gì không có những cơ chế thực sự đặc biệt cho bà con. Do đó, tôi đề nghị, trong Nghị quyết này, những gì liên quan đến bà con Ninh Thuận chuẩn bị di dời, ta phải đặc biệt quan tâm”, đại biểu Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

ĐBQH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại tổ.

Còn ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho tỉnh trong thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án. Theo ĐBQH Hương, giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân được Chính phủ giao Ninh Thuận thực hiện, phải hoàn thành trong 2025. Tức là, thời gian thực tế để địa phương thực hiện công việc này còn khoảng 10 tháng. Theo số liệu tính toán từ 2009, dự án ĐHN Ninh Thuận tác động khoảng 1.288 hộ dân. Tình hình thực tế có nhiều thay đổi sau hơn 15 năm. "Tỉnh đang gấp rút kiểm kê, thực hiện các công việc di dời, tái định cư như Chính phủ giao. Nhưng chính sách bồi thường chậm được ban hành sẽ khiến công tác này gặp khó khăn", vì vậy ĐBQH Hương đề nghị cho phép Ninh Thuận áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư ở mức cao cho người dân vùng dự án. Cụ thể bổ sung vào 5 cơ chế, chính sách Khoản 9 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Phần giao cho tỉnh Ninh Thuận, cụ thể cơ chế chính sách như sau:

Thứ nhất cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận ở mức cao theo quy định;

Chính sách thứ hai, cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đối với người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận mà đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận như đối tượng người được sử dụng có giấy chứng nhận. theo đại biểu, hiện nay thực trạng đang tồn tại các đối tượng này, nếu không có chính sách để tháo gỡ thì cũng sẽ rất là khó khăn;

Chính sách thứ ba, hỗ trợ 100% ngân sách đào tạo chuyển đổi nghề, các chính sách an sinh xã hội và tìm kiếm việc làm cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân có thu hồi đất triển khai thực hiện dự án ĐHN. Hiện nay, vùng dự án này người dân chủ yếu là làm nghề nông, nghề biển, nếu không có chính sách hỗ trợ 100% ngân sách để đào tạo, chuyển đổi nghề và chính sách an sinh xã hội thì sẽ rất là khó;

Chính sách thứ tư, được phép triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dời, tái định cư của ĐHN tại Ninh Thuận;

Chính sách thứ năm, không phải thực hiện thủ tục, điều chỉnh khu vực dự dự trữ khoáng sản quốc gia và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành trong trường hợp diện tích thực hiện dự án chồng lấn lên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Cũng theo đại biểu Hương, tỉnh Ninh Thuận đã quán triệt rất sâu sắc và triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm tái khởi động dự án xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận theo chức năng, thẩm quyền của địa phương và cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành dự án quan trọng quốc gia và tận dụng cơ hội, động lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cho nên, rất mong ĐBQH xem xét tạo điều kiện nguồn lực cho một địa phương, một tỉnh rất khó khăn rất cần có những chính sách về năng lượng tái tạo để hỗ trợ, tạo động lực cho Ninh Thuận phát triển.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại tổ.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Về dự án ĐHN của Ninh Thuận, tôi thống nhất ý kiến của ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương-Ninh Thuận về đề xuất thêm 5 cơ chế chính sách. Nếu ở Ninh Thuận, không cho trong đợt này thì trong vòng 10 tháng nữa chúng ta phải khởi công dự án thì sẽ gặp khó khăn.

Thẩm tra trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu kinh nghiệm quốc tế phải mất khoảng 8 năm để hoàn thiện một dự án ĐHN, trong đó 3 năm chuẩn bị và 5 năm xây dựng. ĐHN Ninh Thuận là dự án quy mô rất lớn, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam và đòi hỏi nguồn lực lớn. Thời gian tới, Việt Nam cũng dự kiến triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác. Vì thế, cơ quan này đề nghị nghiên cứu kỹ và bổ sung giải pháp khắc phục để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số từ 2026. Tức là nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. ĐHN là nguồn điện sạch, sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.