Ninh Phước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã

Nhằm phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong sản xuất trên địa bàn, những năm qua, huyện Ninh Phước đã từng bước củng cố, đổi mới, nâng cao hoạt động của các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT), nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xác định kinh tế tập thể (KTTT) là một thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII về tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về ý nghĩa, vai trò, mục đích của phát triển KTTT; phát triển các loại hình hoạt động KTTT, tổ chức tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ thành viên phát triển kinh tế, phát huy tính cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với phát triển các cơ sở chế biến, mở rộng các hình thức liên kết hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm trên địa bàn, đóng góp cho sự phát triển chung của huyện. Nhờ đó, giúp nhiều HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả, tạo được sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã hình thành được mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là làm cầu nối chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, giúp các thành viên thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất cũ để từ đó các thành viên ngày càng chủ động, phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Hợp tác xã nông nghiệp Châu Rế (Phước Hải) liên kết với doanh nghiệp sản xuất măng tây xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên.

Đặc biệt, thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển HTX, THT đã tạo điều kiện cho các HTX, THT đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm... Qua đó, giúp các HTX, THT nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương, nhằm đem lại thu nhập cho các thành viên. Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải), HTX Nông nghiệp Châu Rế (xã Phước Hải), HTX Nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh), HTX Trường Thọ (xã Phước Hậu)... đã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh theo quy mô cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, huyện còn nâng cao năng lực cho các HTX thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn trong việc tổ chức, quản lý HTX, quản lý tài chính, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay để đưa ra tầm nhìn chiến lược phát triển của HTX. Qua đó, phát huy được tính tích cực, sáng tạo, chủ động trong việc điều hành, quản lý HTX... từng bước khắc phục được tình trạng yếu kém của HTX.

Việc nâng cao hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn huyện Ninh Phước đang từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các HTX hoạt động ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã hình thành được một số mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy KTTT ở địa phương ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện có 24 HTX duy trì và nhân rộng được 12 cánh đồng trồng lúa, bắp, măng tây xanh, với diện tích 2.346ha gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đem lại thu nhập cho các hộ thành viên trong HTX; duy trì và nhân rộng được mô hình tưới nước tiết kiệm 535ha tại các xã, thị trấn; mô hình táo bao lưới chống ruồi vàng 647,2ha; sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 215,88ha và hữu cơ 20ha...

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện đã thành lập mới 6 HTX. Đến nay, toàn huyện có 31 HTX đăng ký hoạt động theo Luật HTX, trong đó có 24 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp, 4 HTX phi nông nghiệp, 1 HTX dịch vụ tổng hợp và 1 HTX hoạt động lĩnh vực tư vấn quản lý, với 8.271 thành viên, có tổng vốn điều lệ hoạt động trên 20,23 tỷ đồng. Doanh thu bình quân ước đạt 2.700 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân ước đạt 150 triệu đồng/năm/HTX; thu nhập bình quân của lao động trong HTX ước đạt 30 triệu đồng/người/năm. Đến nay, có 2 HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú và HTX Gốm Chăm Bàu Trúc tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn có 78 THT ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, gốm, dệt thổ cẩm. Doanh thu bình quân ước đạt 170 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân ước đạt 40 triệu đồng/năm.

Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Với mục tiêu, phát triển KTTT hiệu quả, bền vững, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/HU nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thúc đẩy KTTT, phát triển và nâng cao hiệu quả của HTX, THT. Tiếp tục khuyến khích phát triển HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ tổng hợp, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển HTX, THT sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao của địa phương. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh nhằm giúp các HTX, THT tiếp cận các nguồn lực tín dụng, xây dựng kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT ở địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các HTX, THT đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, kinh doanh phù hợp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa HTX, THT với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho các HTX và THT.