Thực hiện nghiêm thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29), có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Tại Ninh Thuận, thông tư này được các cấp chính quyền, ngành GD&ĐT và các sở, ban, ngành liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.

Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh (HS) và chỉ dành cho 3 đối tượng, gồm: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp. Không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên (GV) đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Việc thực hiện Thông tư 29 ngay trong học kỳ II, năm học 2024-2025 nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, HS, cũng như GV. Tuy có khó khăn, tâm tư, lo lắng, song với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, Thông tư 29 được các nhà trường, GV, phụ huynh, HS trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Nhiều GV mở các lớp dạy thêm tại nhà đã dừng và tạm dừng việc dạy thêm để thực hiện các yêu cầu của thông tư. Cô giáo N.T.L, GV một trường công lập tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết: Tôi có mở lớp dạy thêm tại nhà nhưng trước khi Thông tư 29 có hiệu lực đã cho HS tạm nghỉ để người thân trong gia đình đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cũng như tôi, nhiều đồng nghiệp đã dừng các lớp dạy thêm tại nhà. Việc dừng đột ngột có gây khó khăn, lo lắng cho phụ huynh, HS, song tôi sẽ tuân thủ quy định, tránh ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân và nhà trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Phủ Hà 2 ứng dụng công nghệ thông tin vào gảng dạy.

Ghi nhận tại một số trường THPT, Thông tư 29 cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thầy giáo Hoàng Văn Tý, Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Hải (Ninh Hải), cho biết: Ban lãnh đạo trường đã quán triệt, phổ biến nội dung Thông tư 29 đến toàn thể cán bộ, GV, nhân viên tại cuộc họp cơ quan tháng 2 vào ngày 8/2 để thầy, cô giáo nắm rõ và nghiêm túc thực hiện, đồng thời phổ biến nội dung thông tư nói trên đến cha mẹ HS trong hội nghị cha mẹ HS lần 2 để phụ huynh nắm được tinh thần và đồng hành thực hiện. Hiện nay, nhà trường chưa có cán bộ, GV đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường. Việc dạy thêm, học thêm trong trường được thực hiện đúng quy định của thông tư. Tập thể sư phạm nhà trường thống nhất duy trì hoạt động bồi dưỡng, ôn tập cho HS cuối cấp và không thu tiền của HS đến cuối năm học nhằm đảm bảo kiến thức để các em tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện tốt việc này, từ ngày 14/2, trường điều chỉnh thời lượng bồi dưỡng, ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT cho HS xuống 2 tiết/môn/tuần; rà soát, phân công GV thiếu tiết chính khóa ôn thi cho HS. Nhiều GV nhiệt huyết của trường cũng đã tình nguyện dạy miễn phí cho HS cuối cấp năm học 2024-2025. Tuy vậy, về lâu dài, việc ôn thi cho HS cần phải thực hiện chế độ thanh toán theo tinh thần chỉ đạo tại Thông tư 29 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường THPT Ninh Hải. Ảnh: Phạm Lâm

Tại Trường THPT Chu Văn An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), việc quán triệt, triển khai Thông tư 29 cũng được thực hiện nghiêm túc. Thầy giáo Trần Mai Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, thông tin: Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ, GV, nhân viên biết để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm học đến ngày 13/2/2025, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo miễn phí 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh cho HS cuối cấp có nguy cơ hỏng tốt nghiệp với thời lượng 3 tiết/môn/tuần và không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường duy trì ôn tập, phụ đạo miễn phí cho HS cuối cấp có nguy cơ hỏng tốt nghiệp với thời lượng giảm xuống 2 tiết/môn/tuần để phù hợp với quy định của thông tư; đồng thời, điều chỉnh kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS cuối cấp tự nguyện đăng ký và không thu tiền của HS từ ngày 24/2/2025 cho đến hết ngày 14/6/2025 với quy mô 1 lớp/môn, thời lượng 2 tiết/môn/tuần, ưu tiên bồi dưỡng, ôn tập miễn phí cho những HS có năng lực còn hạn chế nhằm giúp các em củng cố kiến thức, tự tin tham gia và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Đối với phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, cũng đã phổ biến, tuyên truyền toàn văn nội dung Thông tư 29 tới các cơ sở giáo dục trực thuộc; đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đồng chí Lê Đặng Huỳnh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Hải, cho biết: Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động quán triệt, phổ biến sớm Thông tư 29 đến các cơ sở giáo dục trực thuộc để cán bộ, GV, nhân viên các trường nắm rõ và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định của Thông tư 29 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Phòng tiếp tục cập nhật những chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chính quyền, Sở GD&ĐT để hướng dẫn việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường trên địa bàn quản lý đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình THCS; thực hiện tốt công tác quản lý dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền.