Quốc hội nghe báo cáo về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

* Kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 14/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy ĐHN do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/01/2025 để chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương triển khai, sớm đưa dự án ĐHN Ninh Thuận vào vận hành đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển KT-XH của đất nước. Để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, trước mắt, để triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách.

Các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Giang Huy

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 8/2/2025 của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà dự án ĐHN Ninh Thuận. Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Cơ quan thẩm tra lưu ý Chính phủ cần chỉ đạo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn, hiệu quả cho Dự án.

Theo đó, Ủy ban KH,CN&MT kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Đối với Chính phủ, Ủy ban KH,CN&MT kiến nghị Chính phủ xin ý kiến của Cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách liên quan theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và các cơ chế, chính sách đặc thù khác (nếu có).

Cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận: Đối với tỉnh Ninh Thuận, về cơ chế, chính sách (khoản 9 Điều 3 dự thảo Nghị quyết), Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận đã quy định giao Chính phủ “ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân và phát triển KT-XH ở địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch và triển khai chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Thuận”. Để thể chế hóa Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, ngày 31/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, bao gồm các nhóm chính sách lớn về thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội. Như vậy, về cơ bản, hiện nay đã có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Ninh Thuận.

Về cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận, ngoài các cơ chế, chính sách đặc thù trực tiếp điều chỉnh đầu tư dự án xây dựng ĐHN còn có một số chính sách đặc thù áp dụng đối với tỉnh Ninh Thuận (Ví dụ: hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án nhà máy ĐHN; được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; phân bổ thêm 40% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước…). Tuy nhiên, trong Hồ sơ chưa làm rõ mối liên hệ giữa các chính sách nêu trên với việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng ĐHN, do đó Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ nội dung này để có cơ sở quy định trong dự thảo Nghị quyết.

Về chính sách “Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án nhà máy ĐHN”. Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, minh bạch khi xác định khoản bổ sung có mục tiêu từ việc triển khai dự án nhà máy ĐHN và đảm bảo nguồn lực của ngân sách trung ương, đề nghị bổ sung quy định: “Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận không quá 70% số tăng thu từ từ triển khai dự án nhà máy ĐHN so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu”.

Về chính sách “Được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp”. Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn; có thể cho phép áp dụng chính sách vay tương tự đã được Quốc hội cho phép với một số tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù (TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng…). Theo đó ngoài khoản vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, có thể cho phép tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại. Đồng thời, cần quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bảm đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với khả năng huy động của tỉnh. Có ý kiến cho rằng, việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Ninh Thuận như hỗ trợ ngân sách, cho phép vay vốn ODA... sẽ góp phần giúp địa phương phát triển KT-XH. Tuy nhiên, có thể dẫn đến sự mất cân đối ngân sách, rủi ro về nợ công. Do đó, cần có quy định rõ ràng về mục tiêu sử dụng vốn, cơ chế giám sát.

Về chính sách “Phân bổ thêm 40% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước”. Một số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ, vì quy định này cũng tương đồng với cơ chế đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù. Ý kiến khác đề nghị không quy định trong Nghị quyết này, việc quyết định tiêu chí, định mức chi thường xuyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong giai đoạn tiếp theo, theo đó sẽ cân nhắc để bổ sung tiêu chí này cho tỉnh Ninh Thuận. Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, chính sách này không trực tiếp điều chỉnh đầu tư dự án xây dựng ĐHN, do đó, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ.

Về chính sách “Cho phép nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách tỉnh được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh”. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần đánh giá tác động của cơ chế, chính sách cho phép tỉnh Ninh Thuận hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon dưới góc độ tổng thể và tầm nhìn dài hạn.