Đây là cơ sở để các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương làm căn cứ để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và đồng thuận trong xã hội; phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của người dân để thực hiện hiệu quả chương trình.
Mục tiêu của kế hoạch đề ra, thành lập mới ít nhất 1 đơn vị hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp tại xã có đông đồng bào DTTS sinh sống; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Tăng thu nhập bình quân đầu người trên 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ người đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%. Trên 95% học sinh trung học cơ sở đến trường. Trên 60% học sinh trung học phổ thông đến trường. 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 100% người đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư khoảng 143 hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; giải quyết tình trạng thiếu nhà ở khoảng 186 hộ nghèo DTTS. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đề ra các giải pháp toàn diện, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện của các sở, ban, ngành và địa phương; huy động, lồng ghép tối đa, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chương trình bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng, phù hợp với điều kiện, khả năng, nguồn lực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà kế hoạch đã đề ra, đó là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phấn đấu tất cả người dân vùng đồng bào DTTS&MN đều có nhà ở, đất ở, đất sản xuất (hoặc chuyển đổi nghề, có việc làm ổn định), sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm hợp vệ sinh, không còn nhà ở tạm, nhà dột nát.
Thực hiện quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan, đáp ứng yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phong tục tập quán của người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Ninh Phước được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu dạy, học. Ảnh: Văn Nỷ
Đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục xây dựng và nâng cấp các phòng học, phòng bộ môn và phòng đa chức năng ở các Trường phổ thông Dân tộc nội trú, Trường phổ thông Dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đào tạo nghề, định hướng xuất khẩu lao động ở địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Đầu tư phát triển nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn bằng việc hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt (trường hợp xác định vật nuôi hoặc cây trồng khác phù hợp với địa phương, thực hiện đầu tư và tính quy đổi giá trị từ bò hoặc gà, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ/hộ không thay đổi so với hạn mức được giao). Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình, thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động; tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho người có uy tín, lực lượng cốt cán. Tổ chức hội thi, hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ xã, thôn và hộ gia đình. Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến (già làng, người có uy tín, cán bộ cốt cán; nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người DTTS và các đối tượng khác) trong vùng đồng bào DTTS&MN, các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong thực hiện chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân rộng.
Tăng cường thực hiện biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông (tờ gấp, bản tin...) về chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS; giới thiệu, tuyên truyền về mục tiêu, đối tượng, nội dung trọng tâm của chương trình thông qua các thiết chế thông tin ở cơ sở. Thực hiện phóng sự và xây dựng nội dung truyền thông, hỏi đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin, trang thông tin điện tử. Giới thiệu, quảng bá cách làm hay, sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng trong triển khai thực hiện chương trình để các địa phương trong tỉnh nghiên cứu, học tập. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cấp huyện, các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN để áp dụng trong công việc và hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá các sản phẩm của địa phương và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh.
TS