Kế hoạch đề ra mục tiêu, đến cuối năm 2025, phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP, trong đó có thêm 2-5 sản phẩm đạt 4 sao; 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phấn đấu có thêm 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Vùng nguyên liệu nha đam được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP
tại Farm Nắng và Gió, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Mỹ Dung
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị và tổ chức liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 15 nội dung, nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch đề ra. Trọng tâm là tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương,...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng tiêu chuẩn và thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu, dựa trên lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2025 liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP và đặc thù... Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định.
TS