Xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, tỉnh quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh tập trung triển khai 3 khâu đột phá và 5 ngành, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, UBND tỉnh sẽ thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng. Đặc biệt, tỉnh tập trung chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho những ngành, lĩnh vực trọng điểm; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thi công tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng Cà Ná. Ảnh: Anh Tuấn
Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong năm 2025, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như mục tiêu đã đề ra, sở đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về đất đai; triển khai và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, các chính sách có liên quan Luật Đất đai. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng Kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2025. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các dự án khu đô thị mới, khu dân cư đang và chuẩn bị triển khai. Đẩy nhanh công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại tỉnh, nhất là tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Song song đó, UBND tỉnh tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan để đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, phát triển cảng cạn, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh đề ra 18 chỉ tiêu; trong đó, kinh tế phấn đấu đạt 9 chỉ tiêu. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP phấn đấu đạt khoảng 13-14% để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 như chỉ tiêu đề ra; GRDP bình quân đầu người đạt từ 113-114 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế các ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 24-25%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%, dịch vụ 32-33%. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 22.500 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với năm 2024. Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 44-45%; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP đạt từ 42-43%; tốc độ tăng năng suất lao động khoảng đạt 9-10%; tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP khoảng 12% và nỗ lực thu ngân sách đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.250 tỷ đồng so với năm 2024.

Điện gió Trung Nam - Thuận Bắc.
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết: Năm 2025 ngành công nghiệp phấn đấu tăng trưởng 23-24%, đây là một thách thức rất lớn đối với ngành công thương. Nhằm thực hiện đạt mục tiêu này, ngành tiếp tục bám sát chủ trương, các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về nhiệm vụ năm 2025, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án để tổ chức triển khai hiệu quả; chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng ngành công nghiệp theo đúng trọng tâm trọng điểm. Triển khai các giải pháp thúc đẩy năng lượng; phấn đấu giá trị gia tăng năm 2025 tăng từ 21-22%; thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, phấn đấu giá trị gia tăng năm 2025 tăng từ 30-31% theo kịch bản đề ra. Cụ thể, ngành sẽ phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục theo quy định để khởi công các dự án thủy điện tích năng Phước Hòa, thủy điện tích năng Bác Ái (giai đoạn 2); hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để sớm khởi công và đầu tư hoàn thành 10 dự án điện gió; triển khai thực hiện dự án LNG Cà Ná, xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận. Tiếp tục phối hợp kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII được duyệt, nhà máy sản xuất hydrogen... tạo năng lực mới cho ngành trong giai đoạn tới.
Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu các sản phẩm lợi thế. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; chuyển đổi bền vững 500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước; phấn đấu diện tích đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 200-220ha. Giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 155 triệu đồng/ha. Tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết tiêu thụ nông sản và cánh đồng lớn tại các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất.
Ở lĩnh vực du lịch, tỉnh tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực; thu hút, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm để hỗ trợ các ngành dịch vụ, du lịch. Phấn đấu trong năm 2025 thu hút 3,6 triệu lượt khách du lịch; giá trị gia tăng ngành dịch vụ dự kiến tăng 10-11%.
Đáng chú ý, trong năm 2025, Ninh Thuận tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; duy trì, thường xuyên gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Anh Tuấn