Hỗ trợ nông dân tham gia thương mại điện tử
Theo ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội ND tỉnh: Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc mua bán qua các nền tảng thương mại điện tự (TMĐT) được xem là giải pháp tối ưu để sản phẩm của ND đến tay khách hàng một cách nhanh nhất. Để hỗ trợ hội viên, ND tham gia CĐS, bước đầu Hội ND tỉnh đẩy mạnh ký kết hợp tác với Hội ND các tỉnh, thành phố khác, các DN công nghệ cung cấp các sàn TMĐT, các đơn vị kinh doanh phân phối trong cả nước. Trong đó, phối hợp với Bưu điện tỉnh kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên, ND thông qua sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho ND gắn với hỗ trợ ND tham gia đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, khởi nghiệp từ nông nghiệp... Đồng thời, triển khai thực hiện thí điểm mô hình không sử dụng tiền mặt qua giao dịch trên sàn TMĐT trong hội và phổ biến đến hội viên, ND trong tỉnh. Gần đây nhất, Hội ND tỉnh tổ chức ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Felix (TP. Hồ Chí Minh) về hỗ trợ hội viên, ND, hộ kinh doanh, HTX, DN ở tỉnh Ninh Thuận lên sàn TMĐT Felix.store với mục tiêu kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Felix tập huấn cho hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia sàn thương mại điện tử Felix.store.
Ông Nguyễn Văn Toàn Cơ, Chủ tịch sàn TMĐT Felix.store cho biết: Sàn TMĐT Felix.store cung cấp dịch vụ B2B (mua sỉ, bán sỉ) cho người ND ở các vùng nguyên liệu để họ có thể giao dịch sản lượng lớn với các đối tác trong nước cũng như những đơn vị nhập khẩu của nước ngoài nhằm tạo giá trị cao nhất cho nông sản Việt Nam. Chúng tôi mong muốn sẽ là cầu nối hợp tác với tất cả hội ND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, Ninh Thuận nói riêng để tạo ra một nền tảng lớn của TMĐT tốt nhất nhằm góp phần vào công cuộc CĐS, bắt đầu từ thay đổi tư duy kinh doanh giao dịch trên sàn TMĐT cho nông dân theo chủ trương Chính phủ đang thực hiện.
Theo đó, phía DN công nghệ sẽ cung cấp các thông tin về thị trường, thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước; sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, tổ chức, DN địa phương; chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, mã vùng trồng; kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, phương pháp, đào tạo và cung cấp nhân lực bán hàng trên nền tảng TMĐT; phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, các hội thảo, tập huấn chuyên đề về TMĐT, phát triển tài khoản TMĐT, gian hàng cho hội viên, hộ kinh doanh, HTX, DN, ND... Từ đó, góp phần tăng cường công tác truyền thông về các sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là sản phẩm OCOP, đẩy mạnh phát triển, mở rộng tiêu thụ các sản phẩm của ND Ninh Thuận ở thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua kênh TMĐT. Trên cơ sở ký kết, mục tiêu của Hội ND tỉnh trong năm 2025 sẽ lập trên 5.000 tài khoản TMĐT cho cá nhân, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn có trên 80 tài khoản và có ít nhất từ 1-2 nhà cung cấp sản phẩm lên sàn Felix.store.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc HXT Dịch vụ nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Việc ứng dụng TMĐT nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nói chung, sản phẩm trong lĩnh nông nghiệp nói riêng sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian, sản phẩm sẽ đến đến với khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường, thì HTX hiện đang đầu tư nghiêm túc khâu thiết kế và công tác quảng bá trên sàn TMĐT, từ đó giảm được khâu trung gian, tăng cao lợi nhuận.
Đại diện công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận (Ninh Sơn) cho biết: Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã góp phần tăng khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua sàn giao dịch của Postmart.vn, Shopee, Voso.vn... sản phẩm của Thái Thuận được khách hàng trong cả nước biết đến nhiều hơn, thị trường được mở rộng, tiêu thụ tốt. Nhờ đầu ra sản phẩm ổn định nên doanh thu của công ty cao hơn so với những năm trước.
Hướng người nông dân “chuyên nghiệp hóa”
Trên thực tế việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT gặp không ít khó khăn, bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới với nhiều ND. Do đó, Hội ND tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ ND tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp trong tập huấn, hướng dẫn hội viên, ND cách thức tham gia sàn TMĐT và đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và quyền lợi của hội viên, hộ sản xuất nông nghiệp khi tham gia sàn TMĐT.
Từ nhu cầu thực tiễn ở cơ sở, Hội ND tỉnh tích cực phối hợp với các ngành tổ chức hội nghị tư vấn nghề, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho cán bộ, hội viên, ND. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ ND tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, tập huấn cho hội viên, ND kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT. Đến nay, đã hỗ trợ 1.200 hộ có tài khoản trên sàn TMĐT như nho Ba Mọi, nông trại Hoàng Yến, Chang Chang Farm, hộ kinh doanh Trung Tuấn...; có 678 ND sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên được nâng cao trình độ, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... Trong đó, tiêu biểu có hội viên Nguyễn Thị Châu, Giám đốc HTX Hành tím Nhơn Hải thực hiện mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hành tím hữu cơ”, tại thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) với diện tích thực hiện 3.000m2 và được DN Hàn Quốc ký kết tiêu thụ hành tím tại Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ, Việt Nam với DN Hàn Quốc năm 2024 tại tỉnh. Bên cạnh đó, Hội ND còn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tập huấn về hướng dẫn các hộ trồng tỏi về phương thức quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang” tại xã Thanh Hải (Ninh Hải) với 45 người là đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh tỏi và các hộ ND...
Một trong những khó khăn hiện nay của ND là không bán được sản phẩm tới người tiêu dùng nên giá trị thu về thấp vì phụ thuộc “trung gian” và không có thương hiệu. Với ưu thế của mình, sàn TMĐT có thể giải quyết được những khó khăn cho ND, kết nối ND với người tiêu dùng. Mặt khác, sàn TMĐT cũng sẽ kết nối ND với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho ND đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh. Do đó, việc ND tiếp cận sàn TMĐT sẽ là bước tiến quan trọng trong thực hiện CĐS trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.
Anh Thi