Nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Những năm qua, công tác xây dựng nhà ở cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn về nhà ở, hộ gia đình chính sách là hoạt động luôn được các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Mái ấm để người dân “an cư, lạc nghiệp”

Những ngày giáp Tết, những gia đình vừa được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023-2025 (gọi tắt là Đề án 384), niềm vui lại được nhân đôi. Có nhà mới, Tết đối với họ đến sớm hơn, ấm áp hơn. Trong ngôi nhà còn mùi sơn mới, bà Bà Rá Thị Lăn, thôn Giá, xã Phước Hà (Thuận Nam) vui mừng khi có được ngôi nhà khang trang. Gia đình bà thuộc hộ nghèo, bà sống cùng con gái tàn tật và các cháu trong ngôi nhà đất xiêng vẹo, dột nát không đảm bảo an toàn sinh hoạt. Cuộc sống phải dựa vào 2 sào đất để “chạy ăn từng bữa”, nên ước mơ về nhà mới là quá xa xôi. Nắm bắt được hoàn cảnh của bà, Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ 90 triệu đồng để bà xây dựng nhà ở (trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh ủng hộ 50 triệu đồng, ngân sách tỉnh 20 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” cấp xã 20 triệu đồng); gia đình đóng góp 20 triệu đồng. Đầu tháng 1 vừa qua, ngôi nhà mới kiên cố, khang trang đã được hoàn thành có diện tích gần 45m2. Bà xúc động chia sẻ: Có được ngôi nhà mới này tôi rất mừng, được sống thoải mái, ấm cúng, sạch sẽ không phải lo lắng nhiều nữa. Cán bộ, bà con hàng xóm đến chúc mừng làm tôi càng hạnh phúc. Ngôi nhà là động lực, điểm tựa để chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn.

Chị Lý Thị Quyên, thôn Tân Lập, xã Hoà Sơn (Ninh Sơn) vui mừng khi được hỗ trợ nhà ở theo Đề án 384.

Là địa bàn khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế nhưng, năm 2024, xã Phước Hà được xem là “điểm sáng” trong xây dựng nhà Đề án 384, bên cạnh nguồn lực cấp tỉnh, xã đã nỗ lực kêu gọi và huy động doanh nghiệp, cộng đồng đóng góp kinh phí, vật tư trên 260 triệu đồng để hỗ trợ người dân. Đồng chí Bà Râu Núc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho biết: Năm qua, xã đã rà soát và hỗ trợ xây dựng 102 căn nhà theo Đề án 384, trong đó dịp cận Tết là 40 căn. Đáng nhắc đến là đề án đã tạo được sự hưởng ứng, chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội, trong đó lực lượng vũ trang, thanh niên, bà con khu dân cư đã trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công, vật tư giúp các hộ hoàn thành nhà đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Qua 2 năm triển khai, Đề án 384 đã hỗ trợ, xây dựng 569 căn nhà, với tổng số tiền trên 56 tỷ đồng. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Đề án đã tạo được sự đồng thuận và nhất trí cao của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Bà con được xây dưng nhà mới rất phấn khởi, hạnh phúc, từng bước vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được bồi đắp, củng cố, vững chắc và sâu sắc hơn. Trong thời gian tới, nhằm tập trung nguồn lực và hưởng ứng hiệu quả phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kết thúc đề án; đồng thời các cấp Mặt trận tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò tuyên truyền, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay tham gia hưởng phong trào trên bằng nhiều hình thức đóng góp, hỗ trợ.

Ngoài Đề án 384 của các cấp Mặt trận trong tỉnh, trong năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 17 căn nhà cho người có công; hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi là 380 căn, tạo động lực để các hộ dân từng bước ổn định đời sống, “an cư, lập nghiệp”.

Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ và kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào; tất cả cấp huyện, xã cũng thành lập BCĐ. Đồng thời, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ phát động chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, sau đó, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức và có kế hoạch tổ chức lễ phát động và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào. Nhìn chung, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương; các công việc cơ bản đúng tiến độ theo quy định.

Tuy nhiên, qua rà soát, hiện toàn tỉnh còn một lượng lớn nhà cần sửa chữa, xây mới, cụ thể có 2.037 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát (xây mới 1.472 căn và sửa chữa 565 căn. Trong đó, hỗ trợ người có công 190 căn; 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 448 căn; chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 1.399 căn). Trong khi đó, nguồn lực của tỉnh còn khó khăn và thời gian triển khai thực hiện gấp. Hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là hộ đồng bào DTTS và miền núi nên việc vận động ủng hộ quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát còn nhiều khó khăn. Do đó, việc huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội đóng góp được xem là một trong những yếu tố hàng đầu nhằm thúc đẩy phong trào triển khai đúng tiến độ và chất lượng. Trong buổi lễ phát động phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vừa qua tại xã Phước Kháng (Thuận Bắc), đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các cấp, ngành phải phát huy các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân để có đủ nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Lồng ghép thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác có liên quan. Kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Song song với huy động nguồn lực, việc triển khai thực hiện cần đảm bảo các quy định và tuân thủ đúng pháp luật, yêu cầu không sai đối tượng, không bỏ sót đối tượng và không để xảy ra đơn thư, khiếu kiện. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể tham gia vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia ủng hộ phong trào; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ.

Với quyết cao của hệ thống chính trị tỉnh trong việc chỉ đạo, thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, cùng tinh thần đoàn kết, sẻ chia của cộng đồng, phong trào trên địa bàn ta sẽ về đích đúng thời gian theo tinh thần chỉ đạo và phát động của Thủ tướng Chính phủ.