Tham dự có các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên và các thành viên Tiểu ban Nội dung, Tổ chuyên đề, Tổ biên tập Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã thông qua Quy chế hoạt động của Tiểu ban Nội dung và Kế hoạch xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Theo đó, Tiểu ban Nội dung do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Tiểu ban; có nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động và văn bản có liên quan trình Đại hội. Để giúp việc cho Tiểu ban Nội dung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã quyết định thành lập các Tổ chuyên đề, Tổ biên tập Báo cáo chính trị phụ trách xây dựng các báo cáo chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đồng thời chuẩn bị các hội thảo chuyên đề báo cáo Thường trực Tỉnh ủy quyết định.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự họp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Theo quy định, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, từ đó rút ra những bài học quan trọng; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới (2025-2030), thực hiện thắng lợi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; bầu cấp ủy khóa mới và Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc. Vì vậy, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội, đặc biệt là Báo cáo chính trị phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn của tỉnh. Để bảo đảm chất lượng công việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tất cả các thành viên Tiểu ban Nội dung, Tổ biên tập cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao một số vấn đề về phương châm, phương pháp và cách làm. Trong quá trình xây dựng các văn kiện phải gắn kết nhuần nhuyễn việc nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể và có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức... Phải tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu. Đồng thời, cần phân tích sâu kỹ bối cảnh tình hình, dự báo xu thế phát triển trong thời gian tới để chỉ rõ những mục tiêu, chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới đảm bảo sự quyết tâm vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Về nội dung, kết cấu của đề cương Báo cáo chính trị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục bám sát và kế thừa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay để làm cơ sở; đồng thời sẽ tiếp thu hướng dẫn, định hướng chung của Trung ương để hoàn thiện.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị sau cuộc họp, căn cứ kế hoạch và quy chế làm việc của Tiểu ban, các Tổ xây dựng báo cáo chuyên đề, Tổ biên tập khẩn trương họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; phân công Sở Kế hoạch-Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ xây dựng báo cáo chuyên đề về kinh tế-xã hội; Công an tỉnh là cơ quan thường trực của Tổ xây dựng báo cáo chuyên đề về quốc phòng-an ninh; Ban Tổ chức Tỉnh ủy là cơ quan thường trực của Tổ xây dựng báo cáo chuyên đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Các tổ xây dựng báo cáo chuyên đề nghiên cứu sớm đề xuất đề cương báo cáo chính trị theo từng lĩnh vực, qua đó, đề xuất với Tiểu ban Nội dung về danh mục sơ, tổng kết các chuyên đề phục vụ xây dựng văn kiện, trên cơ sở đó tổ chức sơ, tổng kết các chuyên đề theo danh mục đã xác định.
* Cũng tại cuộc họp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ý kiến thống nhất với các nội dung trong Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Qua rà soát trong giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị hành chính cấp xã có diện tích đạt dưới 20% và dân số dưới 300% là phường Thanh Sơn, phường Mỹ Hương, phường Kinh Dinh thuộc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phải sắp xếp theo quy định; đồng thời, có 2 phường (có địa giới hành chính liền kề 3 phường thuộc diện bắt buộc sắp xếp) thuộc đối tượng khuyến khích sắp xếp là phường Phủ Hà và phường Tấn Tài.
Theo đó sẽ hợp nhất phường Mỹ Hương với phường Kinh Dinh và phường Tấn Tài thành đơn vị hành chính mới và lấy tên là phường Kinh Dinh; hợp nhất phường Thanh Sơn và phường Phủ Hà thành đơn vị hành chính mới và lấy tên là phường Phủ Hà. Cùng với hợp nhất các đơn vị hành chính sẽ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố và giải quyết chế độ chính sách liên quan. Lộ trình thực hiện việc sắp xếp diễn ra trong 2 năm 2024-2025 đảm bảo đúng quy trình quy định.
Để Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao các Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các vấn đề liên quan không để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Quá trình thực hiện đảm bảo tuân thủ phương án sắp xếp đã được đông đảo nhân dân, cử tri đồng tình, ủng hộ; tất cả vì mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của nhân dân và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Diễm My