Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm có 8 chương với 65 điều, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 giảm 1 chương và 3 điều, trong đó, ghép Chương III và Chương IV thành Chương III (mới); bỏ 12 điều, bổ sung 11 điều; tách, nhập 9 điều thành 7 điều mới và sửa đổi các điều còn lại. Về cơ bản, Luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, cụ thể là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật, đồng thời góp ý một số ý kiến như: Cần rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tài liệu lưu trữ sớm hơn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ ở khoản 3 Điều 17; phải có quy định về lưu trữ điện tử để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế ở mục 3 Chương III; nên có thiết chế ràng buộc giữa các cấp trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu trữ ở khoản 6 Điều 58; cần đánh giá kỹ sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ trong dự án Luật; nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ thực hiện công tác lưu trữ; rà soát, xem xét xây dựng kho trung tâm lưu trữ của tỉnh...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời sẽ tổng hợp để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Lê Thi