Trong đại dịch COVID-19, các hãng dược Pfizer-BioNTech và Moderna đã phát triển vaccine của họ bằng kỹ thuật RNA thông tin. Nguyên tắc của vaccine không phải là tiêm trực tiếp virus (bất hoạt hoặc giảm độc lực) để buộc cơ thể chúng ta tạo ra hệ thống miễn dịch phòng vệ chống virus, mà chỉ đơn giản là nhờ RNA thông tin tạo một bản sao của virus không có DNA để cơ thể nhận ra và tạo ra phản ứng miễn dịch.
Đại học Antwerp hiện đang sử dụng kỹ thuật này để điều trị các khối u ung thư và các xét nghiệm được thực hiện trên 200 bệnh nhân đang cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Đây là những khối u do ung thư máu gây ra. 5 năm sau khi chẩn đoán mắc căn bệnh này, chỉ có 25% bệnh nhân còn sống. Kết quả của các nhà nghiên cứu cho thấy con số này hiện nay là 40%.
Các kết quả liên quan đến các loại ung thư khác cũng sẽ sớm được công bố trên các tạp chí y khoa. Các nhà nghiên cứu muốn củng cố kết quả của họ. Tuy nhiên, với việc áp dụng kỹ thuật RNA thông tin hiện nay đang cho thấy tỷ lệ sống sót đạt từ gấp rưỡi đến hai lần so với dự kiến trước đây.
Hiện nay, các trường đại học và công ty khác cũng đang nỗ lực phát triển vaccine ngừa ung thư bằng công nghệ RNA thông tin. Theo Giáo sư Evelien Smits thuộc Đại học Antwerp, đây thực sự là một dạng liệu pháp miễn dịch về nguyên tắc có thể áp dụng cho tất cả các loại ung thư và thậm chí còn hiệu quả hơn khi kết hợp với các loại thuốc đã được sử dụng ngày nay. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có vaccine ngăn ngừa ung thư.
Theo TTXVN/Báo Tin tức