Cách thức hợp tác tuyên truyền được triển khai theo các chương trình UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với các cơ quan báo chí. Cụ thể, hợp đồng với 3 cơ quan báo chí có sự lan tỏa rộng đến bạn bè trong và ngoài nước, gồm: Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, tổng kinh phí 1,110 tỷ đồng. Hợp đồng tuyên truyền với 2 cơ quan: Báo Nhân Dân, Báo Đại biểu Nhân dân, tổng kinh phí 260 triệu đồng. Hợp đồng tuyên truyền với các cơ quan báo và tạp chí khác (gồm: Báo Vietnamnet, Báo Thế giới và Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp...) với kinh phí từ 20-60 triệu đồng/cơ quan báo chí.
Các phóng viên thường trú tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan báo chí nói trên phải đảm bảo việc tuyên truyền theo 6 nội dung trọng tâm:
(1) Tuyên truyền kịp thời, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Tuyên truyền, phản ánh kịp thời việc triển khai các nội dung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
(2) Tuyên truyền phản ánh toàn diện những thành tựu, kết quả phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hoạt động đối ngoại nổi bật. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những điểm sáng về phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong bối cảnh từ một tỉnh khó khăn, xuất phát điểm thấp; nhưng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới tư duy, biến bất lợi thành lợi thế; đến nay là tỉnh phát triển trung bình; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
(3) Đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về quan điểm phát triển; mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn chiến lược phát triển đến năm 2050; các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá phát triển; phương hướng phát triển các ngành quan trọng; phương án tổ chức hoạt động KT-XH; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xác định danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện; các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; sơ đồ, bản đồ quy hoạch...
(4) Đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hệ thống chính trị; việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc quan điểm, đường lối phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đối với các vấn đề thông tin trên báo chí, mạng xã hội phản ánh chưa khách quan, sai sự thật, nhất là đối với các vấn đề phức tạp, nổi cộm... kịp thời kiểm chứng thông tin và đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xấu độc để định hướng dư luận xã hội.
(5) Tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm 2024. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia; việc triển khai thực hiện các dự án lớn, công trình trọng điểm, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh; quảng bá lịch sử, văn hóa, con người Ninh Thuận; tuyên truyền đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về tình hình biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển của địa phương; các sự kiện chính trị, ngày lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh diễn ra trong năm 2024.
(6) Tăng cường các bài, viết, hình ảnh, phóng sự có tính toàn diện, sức lan tỏa lớn để tuyên truyền, quảng bá về tỉnh Ninh Thuận đến các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài thông qua các sự kiện văn hóa (Ngày Văn hóa Du lịch Ninh Thuận; Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận), lễ hội (Lễ hội Katê của người Chăm, Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai, Lễ Cầu ngư của ngư dân vùng biển, ven biển; gian hàng quảng bá sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch, giới thiệu ẩm thực; sản phẩm OCOP; các làng nghề (gốm, dệt, đàn Chapi...); các truyền thống đặc trưng, đậm bản sắc dân tộc.
Để thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan báo chí triển khai và thực hiện các chương trình đã ký kết, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về tỉnh trên các ấn phẩm của cơ quan mình, đảm bảo là kênh thông tin chính thống, chủ đạo, với những thông tin tích cực, chính xác, khách quan. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn và định hướng công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan báo chí lựa chọn chuyên đề hoặc chủ đề, chủ điểm và xác định thời gian thông tin tuyên truyền. Đặt hàng với các cơ quan báo chí để xây dựng, sản xuất các phóng sự, bài viết tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tỉnh; thực hiện các sản phẩm tuyên truyền các chương trình, sự kiện, chính sách phát triển KT-XH; thông tin về những thành tựu của tỉnh nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, du khách quốc tế với Ninh Thuận. Các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các báo, tạp chí, báo chuyên ngành để cung cấp các thông tin, tuyên truyền về những nội dung thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Các cơ quan: Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, bám sát Kế hoạch tuyên truyền các ngày lễ lớn của địa phương và của đất nước trong năm 2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức trình bày; xây dựng các tuyến bài, các chương trình truyền hình có tính chuyên sâu, có sức lan tỏa lớn, có tính định hướng cao trong năm 2024. Thường xuyên phối hợp, liên kết với các cơ quan báo chí trung ương, tỉnh bạn để tăng cường trao đổi thông tin; hỗ trợ cung cấp tư liệu của tỉnh cho các cơ quan báo chí khác để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên cả trong và ngoài tỉnh, tăng cường đăng tải các bài viết quảng bá về truyền thống lịch sử, văn hóa và tiềm năng, lợi thế về tỉnh trên các báo chí trung ương và tỉnh bạn. Xây dựng các chuyên mục, các bài viết, phóng sự tài liệu, phim tài liệu, tọa đàm, tạp chí truyền hình, phóng sự đồng hành, trailer, giao lưu ngoại cảnh... Sản xuất các chương trình giới thiệu, quảng bá, giới thiệu về con người, cơ hội kinh doanh, các thông tin về những thành tựu, tiềm năng phát triển KT-XH của tỉnh Ninh Thuận; chính sách thu hút đầu tư, các dự án đầu tư, xúc tiến đầu tư, giới thiệu du lịch, văn hóa, đặc sản, sản phẩm đặc thù... của tỉnh Ninh Thuận để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực lợi thế và có giá trị khác biệt của Ninh Thuận. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước, để đưa tin bài bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và tiếng dân tộc để nâng cao công tác thông tin tuyên truyền đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, các cơ quan báo chí báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, chỉ đạo xử lý kịp thời.
Linh Giang