Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế tỉnh năm 2023, có 3/4 yếu tốc tác động tăng trưởng GRDP của tỉnh; phân tích theo mức độ đóng góp tăng, giảm của từng nhóm ngành kinh tế, thì khu vực II (công nghiệp và xây dựng ước đạt 8.790,6 tỷ đồng, tăng 15,80%;) có sự đóng góp tăng trưởng cao nhất 5,10% GRDP; tiếp theo khu vực III (dịch vụ ước đạt 8.671,2 tỷ đồng, tăng 8,50%) đóng góp 2,89% GRDP và khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 7.006,9 tỷ đồng, tăng 4,57%.) đóng góp 1,30% GRDP. Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết: Đây là các yếu tố chính tác động đến tăng trưởng GRDP năm 2023. Có được kết quả trên, trong năm tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực của các khu vực trên để tạo đột phá, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Hồng Nguyệt
Điển hình, ở nhóm khu vực II, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo sau khi Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, đã đưa vào khai thác 6 dự án năng lượng chuyển tiếp với công suất 485MW, tạo ra năng lực mới tăng thêm khoảng 494 triệu kWh, nâng sản lượng điện cả năm đạt 7.700 triệu kWh, tăng 11,8% so cùng kỳ (trong đó, điện mặt trời tăng 10,2%), tạo giá trị gia tăng 4.381 tỷ đồng, tăng 16,14%, đóng góp vào mức tăng trưởng chung 2,59% GRDP, chiếm tỷ trọng 60,20% của khu vực II và chiếm tỷ trọng 22,76% của toàn ngành. Hay nhóm khu vực III, tỉnh tập trung chỉ đạo các giải pháp đột phá trong các ngành dịch vụ, du lịch (DL); tăng cường hợp tác xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ và các hội chợ xúc tiến thương mại, DL tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là đã tổ chức thành công Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023 và đón nhận bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tạo hiệu ứng lan tỏa trong thu hút khách DL, số lượng khách DL đến tỉnh tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, tăng 15,8% so cùng kỳ, các ngành thương mại, dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh...
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, cho biết: Dự báo tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đan xen, để nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, tỉnh cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của trung ương, của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ theo quan điểm, định hướng và mục tiêu giải pháp đã đề ra. Nhất là tập trung khai thác, phát huy lợi thế các nhóm ngành có yếu tố tác động tăng trưởng cao của tỉnh.
Cụ thể, đối với khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, có hiệu quả kinh tế cao. Tập trung khai thác mở rộng vùng tưới, phát triển sản xuất trồng tập trung của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị các đối tượng bò, dê, cừu gắn với cơ sở giết mổ tập trung. Hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh hoàn thành dự án trang trại chăn nuôi heo. Phát triển khai thác hải sản trở thành nghề cá hiện đại. Phát triển nuôi thủy sản trên biển gắn với phát triển DL, trong đó ưu tiên công nghệ nuôi vùng biển sâu. Kêu gọi thu hút nuôi trồng thủy sản biển công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Thủy sản. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án sản xuất tôm bố mẹ và tôm giống đi vào hoạt động.
Đối với khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp: Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến mời gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tận dụng các ưu đãi về thuế của FTA để tìm kiếm thị trường và đối tác; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với hai mặt hàng chủ lực chế biến tôm đông lạnh và hạt điều của địa phương. Triển khai hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực năng lực, sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn của địa phương như: Sản xuất bia, nha đam, chế biến thủy sản, đá xây dựng, xi măng... và đẩy nhanh tiến độ các dự án sản phẩm công nghiệp mới để tạo năng lực tăng thêm cho năm tới. Triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng, kết nối thông tin và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.
Sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: V.M
Đối với khu vực III (dịch vụ) tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu, chương trình kết nối hàng Việt (nhất là sản phẩm đặc thù của tỉnh, sản phẩm OCOP), đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu triển lãm sản phẩm và bán hàng trực tuyến, thực hiện khuyến mãi, giảm giá, đa dạng các chương trình kích cầu tiêu dùng. Đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác phát triển DL. Tiếp tục phát triển thị trường khách nội địa, chú trọng thu hút thị trường khách nghỉ dưỡng biển, DL văn hóa, lịch sử, DL sinh thái, DL nông nghiệp, DL golf... Tập trung các giải pháp kích cầu DL, trọng tâm là thu hút khách quốc tế tạo ra doanh thu cao đóng góp vào giá trị gia tăng ngành DL. Lĩnh vực dịch vụ vận tải tiếp tục khai thác có hiệu quả bến 1A cảng tổng hợp Cà Ná gắn với huy động tối đa lượng hàng hóa qua cảng từ các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách và hàng hóa liên tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận tải, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Xuân Bính