Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: Chinhphu.vn
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong nước vừa trúng cử, hoan nghênh và cám ơn toàn thể cử tri, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã hoàn thành trọng trách của mình trong cuộc bầu cử này.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội Khóa XIII có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn sinh động của cuộc sống, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước đất nước, trước nhân dân.
“Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI với những mục tiêu cao cả và nhiệm vụ nặng nề, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, coi đây là một nhân tố quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích.
Tại kỳ họp này, Quốc hội có trách nhiệm to lớn là xem xét, lựa chọn, bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước.
Tổng Bí thư kiến nghị, việc xem xét, lựa chọn, bầu và phê chuẩn các chức danh này cần được tiến hành trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội XI của Đảng đề ra; căn cứ vào tình hình thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp nhiệm kỳ XIII; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, chú trọng vào năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu Quốc hội dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn để bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng kiến nghị Quốc hội quan tâm thực hiện một số định hướng lớn để Quốc hội khóa mới hoạt động thực sự hiệu quả, xứng đáng với sự gửi gắm, niềm tin của nhân dân.
Trước hết, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò quản lý của nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, cần bám sát, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và phân tích, nắm chắc yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm tốt tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Bởi có thông qua giám sát, kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hoặc chấn chỉnh, khắc phục các sai sót, khuyết điểm trong quá trình triển khai, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội, các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, đi sâu phân tích vấn đề một cách tập trung và thực chất hơn, qua đó làm rõ tình hình và nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và các giải pháp thúc đẩy thực hiện có hiệu quả.
Quốc hội cũng cần đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức và nhân sự tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Với trách nhiệm và quyền hạn của mình, các vấn đề trước khi trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, quyết định theo đa số, tăng thẩm quyền và năng lực hoạt động các cơ quan của Quốc hội và có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Đối với các đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, dù ở cương vị công tác nào, cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.
Đồng thời, nêu cao phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí khác.
“Với những thành tựu mà các khóa Quốc hội trước đã đạt được và từ kết quả bầu cử Quốc hội khóa mới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Quốc hội khóa XIII sẽ đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm mốc son mới vào lịch sử và tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Nguồn www.chinhphu.vn