Thực tế đó đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong học sinh, sinh viên, thông qua việc đổi mới phương thức và đa dạng hoạt động giáo dục.
Đổi mới phương pháp giáo dục
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 58 cơ sở giáo dục đại học, hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng hơn 2.300 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Các cơ sở giáo dục là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức là thầy, cô giáo và đông đảo học sinh, sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước. Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị trong học sinh, sinh viên thông qua công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong trường học... từng bước củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.
Thí sinh đến nhập học tại trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH).
Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã có sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, có tác động rất tích cực đến học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế, trước sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặt khác, một số kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, nhận thức về chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống... của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên bị tác động tiêu cực.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị trong các trường đại học cũng cần được tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy. Theo Tiến sĩ Hoàng Thùy Linh, giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang, thực tế trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, các môn khoa học nói chung hiện nay, nhiều giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống nên chưa đánh thức được niềm say mê và khả năng tư duy của người học. Điều đó làm cho sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy. Thêm vào đó, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên coi đây là môn học phụ, môn học chính trị bắt buộc nên mục đích học tập mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học.
Khắc phục thực trạng trên, Tiến sĩ Hoàng Thùy Linh cho rằng, cần phải đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện dạy học tích cực và điều này càng trở nên đặc biệt cần thiết với khối trường ngoài công lập bởi có tính đặc thù riêng. Quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, cần chú trọng nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy để môn học trở nên thú vị, hấp dẫn và gần gũi hơn với người học.
Lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng
Theo kết quả khảo sát của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube đang được đoàn viên, sinh viên Thành phố sử dụng nhiều nhất; bên cạnh đó, Tiktok cũng đang ngày càng được sử dụng nhiều. Trong đó, thanh niên sử dụng mạng xã hội phục vụ nhiều nhất cho việc liên lạc với bạn bè, người thân; cập nhật tin tức, thời sự trong và ngoài nước; giải trí; học hỏi, nâng cao kiến thức.
Xem không gian mạng là mặt trận quan trọng của thanh niên, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng tạo ra nhiều hoạt động để lan tỏa thông tin tích cực, định hướng tư tưởng trong giới trẻ. Mặt khác, việc nâng cao kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội cho đoàn viên, sinh viên; giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh cũng được tổ chức Đoàn chú trọng trong thời gian qua...
Góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia sử dụng mạng xã hội, ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo – Đối ngoại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành Đoàn Thành phố tiếp tục tuyên truyền chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội gắn với Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”, nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của đoàn viên, sinh viên trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh các quan điểm sai trái trên Internet và mạng xã hội cũng được các trường học quan tâm chú trọng. Với đặc thù và thế mạnh về lĩnh vực thông tin - truyền thông, Trường Trung cấp Thông tin - Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục cho học sinh những nguyên tắc, kỹ năng ứng xử văn minh trên không gian mạnh, kỹ năng sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
Từ thực tiễn triển khai tại nhà trường, ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng Tổ chức-Hành chính - Quản trị, Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Thông tin - Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên Internet và mạng xã hội trong trường học đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức