(NTO) Cách đây 57 năm, sau những áp lực trên chính trường thế giới về cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương; sau những chiến thắng vang dội của quân và dân 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia đẩy quân xâm lược Pháp ngày càng lún sâu vào bãi lầy khó bề tránh khỏi, ngày 20-7-1954, thực dân Pháp buộc phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. 57 năm nhìn lại sự kiện ấy, để một lần nữa chúng ta càng thấy lòng tự hào và tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc ta.
Toàn cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Ảnh: TL
Vào những năm 1953-1954, tình hình quốc tế nói chung và ở Đông Dương (có Việt Nam) nói riêng rất bất lợi cho thực dân Pháp. Tình hình chính trị tại Pháp cũng lâm vào khủng hoảng. Chính phủ Pháp lúc ấy cũng phải thừa nhận: “Dù tăng cường lực lượng đến đâu cho quân viễn chinh cũng không thể cứu vãn được tình hình. Lực lượng tiến bộ ở Pháp thì lên tiếng đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Trên cơ sở thắng lợi đã giành được và xu thế quốc tế, ngày 26-11-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm của mình về cuộc chiến tranh ở Đông Dương: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.
Trong bối cảnh ấy, ngày 8-5-1954, Hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương diễn ra tại Giơ-ne-vơ có 9 đoàn đại biểu tham dự. Ngoài 5 đoàn của 5 nước lớn, có đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hội nghị có 2 đồng chủ tịch là Liên Xô (cũ) và Anh. Trong bài phát biểu đầu tiên tại hội nghị, Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng đã đưa ra đề nghị 8 điểm, trong đó có vấn đề rất quan trọng là: “Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam- Lào và Campuchia, rút quân ra khỏi 3 nước Đông Dương, coi đây là những vấn đề chính trị, quân sự của kế hoạch hoàn chỉnh giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương”.
Giải pháp quân sự cho chiến tranh Việt Nam bao gồm ngừng bắn, điều chỉnh khu vực, tập kết và chuyển quân, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, lập khu phi quân sự, các biện pháp ngăn ngừa chiến tranh trở lại, rút quân đội nước ngoài ra khỏi Đông Dương.
Giải pháp chính trị bao gồm việc công nhận các quyền độc lập cơ bản của nhân dân Việt Nam, vạch giới tuyến quân sự tạm thời giữa 2 miền Nam– Bắc, có tổ chức tổng tuyển cử tự do để tái thống nhất đất nước, định thời hạn tổng tuyển cử, bảo đảm các quyền tự do dân chủ, không trả thù và phân biệt đối xử với những người đã cộng tác với đối phương trong thời gian chiến tranh. Trải qua 3 giai đoạn đấu trí, đấu lực hết sức quyết liệt, căng thẳng. Giai đoạn 1 từ ngày 8-5 cho đến ngày 19-6; giai đoạn 2 từ ngày 20-6 đến 10-7; giai đoạn 3 từ ngày 10-7 đến 21-7-1954. Nhờ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là các nước XHCN và phong trào đòi độc lập của các dân tộc thuộc địa, với thái độ cương quyết và đầy thiện chí của chúng ta, vào lúc 24 giờ (giờ Geneve) ngày 20-7-1954 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Thiếu tướng Đen-tây ký Hiệp định đình chỉ chiến sự về Việt Nam và đình chỉ chiến sự về Lào. Sáng 21-7, Đen-tây và Nhiếp Tiêu Long ký Hiệp định đình chỉ chiến sự về Campuchia. Cũng trong sáng 21-7-1954, Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ được thông qua. Bản tuyên bố chung thừa nhận: “Tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia; quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước”.
Hiệp định Giơ-ne-vơ cùng chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Hòa bình lập lại, miền Bắc được giải phóng chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên CNXH, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. 57 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy tự hào và phấn khởi trước những thắng lợi to lớn về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao. Và đúng như lời Bác Hồ đã nói: “Trước đây ta chỉ có rừng, núi và đêm, giờ đây ta đã có cả sông, biển và ban ngày”. Từ mốc lịch sử này, quan hệ ngoại giao nước ta không ngừng phát triển. Vậy là nếu không có Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 thì cũng không có Hiệp định Pari 1973 và Đại thắng mùa Xuân 1975 đưa giang sơn về một mối, Nam – Bắc sum họp một nhà.
Phú Thủy (tổng hợp)