Xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Bố cục dự thảo Luật gồm 9 chương, 81 điều. Tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nội hàm của Luật, theo đó đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan đến trật tự, an toàn giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật này. Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung giải thích từ ngữ, một số nội dung về nguyên tắc, chính sách về trật tự, an toàn giao thông, hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm tính bao quát, sát thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nội dung các điều luật để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng ứng dụng hiện đại; phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông đường bộ được khách quan, chính xác; ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, chống người thi hành công vụ.
Tách bạch nội dung liên quan đến vận tải đường bộ
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, Luật Giao thông đường bộ được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này. Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương III), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Về đấu giá biển số xe ô tô, một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, khả thi của chính sách mới này. Do đó đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương IV), nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch và giá trị pháp lý, tương thích với Công ước Vienna 1968 và thống nhất với việc phân loại xe cơ giới.
Liên quan đến sát hạch giấy phép lái xe (Điều 53), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức