7 tỉnh miền Trung liên kết phát triển

Hôm nay, 15/7, Quỹ nghiên cứu phát triển Vùng ra mắt và lãnh đạo 7 tỉnh duyên hải miền Trung đã ký biên bản cam kết hợp tác.

Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 15/7, tại Đà Nẵng, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa)".

Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo 7 tỉnh miền Trung và nhiều học giả, nhà nghiên cứu…

Chưa khai thác tốt "mặt tiền" hướng ra biển

7 tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa được biết đến là khu vực đắc địa về kinh tế, chính trị, chiến lược, tài nguyên, đặc biệt là hệ thống cảng biển, các di sản văn hóa thế giới.

Với 1.161 km đường bờ biển, 7 tỉnh miền Trung được xem như “mặt tiền” của đất nước hướng ra biển Đông. Toàn vùng có 6 sân bay, 8 cảng biển nước sâu, 6/15 khu kinh tế ven biển , 1/3 khu công nghệ cao của cả nước, 28 trường đại học, 9 tuyến đường quốc lộ, đường sắt Bắc – Nam chạy qua nối các địa phương với nhau.

Tuy nhiên, hiện nay thiếu sự liên kết song phương và đa phương giữa các tỉnh, thành, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, hướng phát triển kinh tế - xã hội manh mún, không đồng bộ và không tạo được sự bứt phá.

GDP toàn vùng năm 2010 đạt 60.590 tỷ đồng, chỉ chiếm 10,98% so với GDP cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 đạt 43.797 tỷ đồng, nhưng chỉ có 2 địa phương đạt trên 12.000 tỷ đồng (Đà Nẵng, Quảng Ngãi), có 4 địa phương có mức thu ngân sách dưới 3.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ chiếm 3,67% so với cả nước, tổng vốn đầu tư phát triển trong vùng chiếm 10,59% so với cả nước. 4/7 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, để miền Trung và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phát triển nhanh chóng hơn nữa, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần tiếp tục có những cơ chế chính sách đặc thù để tiếp sức nhiều hơn cho miền Trung.

Liên kết vùng - phân vai cùng phát triển

Theo TS Trần Du Lịch, miền Trung chưa thể “cất cánh” như mong đợi bởi tư duy cát cứ, mâu thuẫn giữa lợi ích cục bộ và lợi ích chung của toàn vùng chưa được giải quyết.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Bá Ân - Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chính bởi tiềm năng và thế mạnh tương đồng nên sự đầu tư còn trùng lắp, dàn trải, hạn chế sự phát triển. Vấn đề đặt ra là làm sao để sự tương đồng giữa các địa phương là một lợi thế chứ không phải là sức ỳ của nền kinh tế miền Trung.

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng phải phân định cho được những đặc trưng nổi bật của từng địa phương mà phân vai cùng hỗ trợ nhau phát triển.

Tính liên kết luôn được nhắc đến như chất keo tạo nên "đoàn tàu" miền Trung vươn ra biển lớn. 7 tỉnh đã thống nhất 9 điểm liên kết phải thực hiện là phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển chung của vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng; cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế – xã hội, đầu tư trên địa bàn và cuối cùng là hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc liên kết 7 tỉnh duyên hải miền Trung là vấn đề tất yếu trong xu thế hội nhập, có ý nghĩa đột phá đối với thế hệ tương lai.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, làm gì cũng phải xuất phát từ hài hòa lợi ích địa phương và khu vực. Đồng chí đề nghị lãnh đạo các địa phương cần mạnh mẽ bắt tay nhau thực hiện 9 nhóm vấn đề trên. Rồi từ mô hình này, mở rộng thành sự liên kết 19 tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế mạnh riêng có của 7 tỉnh duyên hải là kinh tế biển, do đó, phải nghiên cứu biển, hợp tác toàn diện, phát triển sân bay, cảng biển, đặc biệt là du lịch ven biển.

Bên cạnh đó, vấn đề hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là rất cấp thiết. Cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng đại học vùng, đại học địa phương, hệ thống giáo dục, dạy nghề của các tỉnh…

Đồng chí nhấn mạnh, muốn tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu thì phải có môi trường đầu tư tốt và nguồn nhân lực cao. Đồng thời, phát huy văn hóa vùng miền Trung như một thế mạnh thu hút du lịch.

Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, sự khởi đầu từ hội thảo này sẽ thúc đẩy quá trình liên kết vùng mạnh mẽ và kiên quyết tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Cũng tại Hội thảo , Quỹ nghiên cứu phát triển Vùng ra mắt và lãnh đạo 7 tỉnh đã ký biên bản cam kết hợp tác.

Theo chinhphu.vn