(NTO) Có thể nói, trong những năm qua phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh được phát động sâu rộng không những ở các sở, ngành, địa phương mà còn lan tỏa trong nhân dân. Kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở từng ngành, địa phương, đơn vị, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung phát triển. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, nhờ tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo chiều sâu nên đã tạo nên động lực mạnh mẽ đưa nền kinh tế của tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng khá so với bình quân chung của cả nước, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, làm giảm hiệu quả của phong trào thi đua. Đó là một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Việc học tập rút kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong các địa phương… còn chưa thường xuyên; đối tượng khen thưởng là những người trực tiếp học tập, công tác, người lao động, nhân dân ở địa bàn dân cư còn rất ít…
Để thi đua ngày càng trở thành phong trào sâu rộng, thực chất và thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân… yêu cầu đặt ra là các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, cần thường xuyên quan tâm, phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến để bồi dưỡng nhân rộng. Qua đó, vừa động viên, cổ vũ mọi người phát huy khả năng để hoàn thành nhiệm vụ vừa đẩy lùi những tư tưởng, việc làm chưa tốt. Việc phát động thi đua cần bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, địa phương, đơn vị và trong từng thời gian cụ thể. Nội dung và hình thức thi đua phải phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Trong công tác khen thưởng cũng cần phải đổi mới dựa trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai. Chú trọng phát hiện khen thưởng các nhân tố mới, người lao động, người trực tiếp sản xuất, công tác…
Thực hiện đồng bộ các vấn đề đã nêu, tin tưởng rằng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm “sinh lực” mới để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2011 – năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Tuấn Dũng