Tiêu biểu là nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được đầu tư chuyên sâu hơn. Tại các huyện, thành phố đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích hơn 4.903 ha trên các loại cây trồng: Lúa, nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, điều và một số loại cây ăn quả khác. Công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng với tổng diện tích hơn 14.297 ha. Công nghệ nhà lưới, nhà màng cũng đang được áp dụng trong các mô hình trồng hoa lan, dưa lưới, táo, nho, vườn ươm giống măng tây xanh. Đặc biệt, mô hình ứng dụng công nghệ “bao lưới chống ruồi vàng” trong sản xuất táo với diện tích 826,6 ha/1.640 hộ (chiếm 78,3% diện tích táo toàn tỉnh) giúp giảm tác hại của các sinh vật gây hại, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng, tăng giá thành sản phẩm. Mô hình sản xuất cánh đồng lớn được duy trì và mở rộng với tổng diện tích gần 4.158 ha/31 cánh đồng.
Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trồng nho theo hướng VietGAP. Ảnh: V.Miên
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáng kể là Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức ứng dụng kết quả 3 nhiệm vụ KH&CN đã được chuyển giao, triển khai lập kế hoạch, vận dụng kết quả nghiên cứu phục vụ công tác thẩm định báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản cát và báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác cát xây dựng trên Sông Dinh, các vấn đề liên quan đến nội dung đánh giá tác động sạt lở lòng, bờ. Thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường định kỳ về chất lượng nước Sông Cái, Sông Lu, Sông Quao, Kênh Nam, Kênh Bắc, Suối Cạn, Sông Than, nước hồ, nước dưới đất, nước biển ven bờ, không khí và tiếng ồn trên địa bàn tỉnh. Kết quả nghiên cứu các chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi, xử lý chất thải, rác thải tiếp tục được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trang trại chăn nuôi, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành ứng dụng hiệu quả.
Lĩnh vực y tế cũng có nhiều thành tựu được ứng dụng phục vụ công tác khám, điều trị bệnh. Sở Y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và kết nối, chia sẻ dữ liệu các nền tảng số y tế, dữ liệu của người dân sau khi số hóa được bảo mật mức tối đa nhằm phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực hiện kiểm nghiệm chất lượng dược phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, các cơ sở kinh doanh thuốc thông qua việc ứng dụng phần mềm, ứng dụng nguyên tắc thực hành tốt GLP và TCVN theo kết quả được phê duyệt từ Dự án Nâng cao năng lực phòng thí nghiệm theo TCVN ISO/IEC 17025 và GLP của Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế giai đoạn 2021-2023.
KH&CN cũng đã thúc đẩy du lịch (DL) phát triển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên nâng cấp Cổng thông tin DL Ninh Thuận, app DL Ninh Thuận, tích hợp nhiều tính năng ưu việt giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, tra cứu thông tin DL. Hiện trên địa bàn tỉnh có 300 đơn vị lưu trú, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm được cập nhật, giới thiệu trên hệ thống, làm tăng khả năng kết nối với khách hàng, giúp du khách dễ dàng chọn lựa nơi lưu trú và trải nghiệm phù hợp nhất với nhu cầu, sở thích của mình. Cổng thông tin DL Ninh Thuận trên website http://ninhthuantourism.vn và app DL Ninh Thuận “Ninh Thuận Tourism” trên thiết bị di động thông minh có hơn 3,5 triệu lượt truy cập. Tuyên truyền, vận động 2.295 người đăng ký làm thẻ DL thông minh; tổ chức tập huấn sử dụng Thẻ Việt - Thẻ DL quốc gia và triển khai nền tảng số DL; hướng dẫn, phát hành trực tiếp 109 thẻ miễn phí cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp DL trong tỉnh.
Kế thừa những kết quả đã đạt được, thời gian tới ngành KH&CN tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo đồng chí Võ Quang Lãm, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học trong việc xác định chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với từng ngành, lĩnh vực; đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đổi mới; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò của KH&CN trong tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Anh Tùng