Ảnh Chinhphu.vn
Sáng ngày 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH năm 2011.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày nêu rõ, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế này là những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, gia công chế biến và ổn định đời sống cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Kiến nghị miễn, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế trong năm 2011.
Giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp từ quý 3/2011 đến hết năm 2011 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; hộ gia đình, cá nhân, trông giữ trẻ; hộ gia đình, cá nhân , tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ gia đình, cá nhân giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.
Về thuế thu nhập cá nhân, Tờ trình đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/8/2011 đến 31/12/2011 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhưng không miễn thuế cho cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng.
Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, góp phần ổn định thị trường chứng khoán.
Miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/8/2011 đến 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần theo quy định của Luật này.
Các cá nhân thuộc diện được miễn thuế bao gồm: cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập từ trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tháng; cá nhân có một người phụ thuộc có thu nhập từ 5,6 triệu đồng đến 10,6 triệu đồng/tháng; cá nhân có hai người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng/tháng.
Như vậy, tổng số tiền thuế sẽ miễn, giảm, giãn năm 2011 cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khoảng 13.300 tỷ đồng.
Không để lợi dụng chính sách miễn, giảm, giãn thuế
Thảo luận nội dung của Tờ trình, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, đây là những giải pháp tức thời đối với nền kinh tế, có tác dụng động viên, khích lệ một cách kịp thời các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền tán thành với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh, “quá trình khảo sát từ các địa phương cho thấy, hiện có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Lãi suất cao, chi phí lớn dẫn đến sức cạnh tranh kém, do đó một số doanh nghiệp đã ngừng sản xuất để tránh nộp thuế. Vì thế, việc sớm ban hành chính sách miễn, giảm thuế này là cần thiết, kịp thời và đáng hoan nghênh”.
“Đối tượng được miễn giảm thuế chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động nên dễ bị tổn thương nhất thời gian qua. Vì thế, đây là những hỗ trợ tâm lý tích cực cho thị trường và doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng ủng hộ chủ trương này của Chính phủ và kiến nghị để việc miễn, giảm, giản các sách thuế trên có hiệu quả, đúng đối tượng và phát huy tính ưu việt cần kiểm tra, rà soát chặt chẽ không để bị lợi dụng làm méo mó, “cào bằng” đối tượng khi thực hiện miễn, giảm các sách thuế này.
“Về lâu dài, không nên đưa chính sách xã hội vào chính sách thuế mà trợ cấp trực tiếp cho đối tượng được thụ hưởng như chính sách bảo hiểm y tế hiện nay”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn, việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách thuế liệu có bảo đảm tính trung lập của sắc thuế?
Đề cập đến những lo ngại về việc chính sách thuế có thể bị lợi dụng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc quan ngại, nếu làm không chặt chẽ, rà soát thường xuyên thì sẽ làm méo mó và mất hiệu quả của chính sách thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, kinh nghiệm năm 2009 cho thấy, việc miễn, giảm, giãn thuế được thực hiện tốt. Cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ quá trình thực hiện công việc này.
Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc miễn, giảm, giãn một số sắc thuế như Chính phủ đề xuất là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý rà soát, phân loại cụ thể, không “đánh đồng”, “cào bằng” các đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến một số băn khoăn của Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu lên…
Như vậy, Tờ trình này của Chính phủ sẽ được trình ra Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa 13, khai mạc ngày 21-7 tới đây, xem xét, quyết định chính thức việc miễn, giảm, giãn các sắc thuế trên.
Nguồn www.chinhphu.vn