Từng trải qua nhiều vị trí khác nhau, đã giúp anh Nguyễn Văn Dũng dày dạn kinh nghiệm trong công tác. Từ năm 1999-2009, khi đang công tác tại Trung tâm Khuyến ngư huyện Ninh Phước, anh đã nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình khuyến ngư, tiêu biểu như mô hình nuôi ốc hương trong ao đất; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất cát; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP,... Các mô hình được nhân rộng tại các địa phương ven biển đã góp phần chuyển đổi, đa dạng đối tượng nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Cũng trong thời gian này, anh tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án đa dạng đối tượng nuôi tại 2 vùng dự án nuôi tôm trên cát An Hải và Dự án Nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải. Các đề án triển khai năm 2006, đến tháng 7/2008 hầu hết diện tích ao đìa tại các vùng nuôi tôm trên cát đã được khôi phục sản xuất, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Ngoài ra, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh cũng do anh làm chủ nhiệm là: Đề tài “Thử nghiệm sản xuất nhân tạo giống tôm càng xanh” và Đề tài “Bước đầu tìm hiểu một số bệnh thường gặp trên tôm hùm bông và đề xuất biện pháp phòng trị”, được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đánh giá cao và được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tháng 3/2009, khi chuyển công tác qua Trung tâm Giống hải sản cấp I (nay là Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản) với cương vị Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm, anh Nguyễn Văn Dũng đã trực tiếp tham gia thực hiện và chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ của cấp trên giao. Nhiều kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình nuôi đối tượng mới đã đáp ứng tốt nhu cầu của các hộ nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh, phục vụ chương trình phát triển đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả 2 dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp nhà nước: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven Đầm Nại”; “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa”, được xem là dấu ấn nổi bật của Trung tâm.
Kết quả lớn nhất của các dự án chính là góp phần đa dạng đối tượng nuôi, chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm khó khăn, liên tục bị dịch bệnh sang nuôi các đối tượng mới. Đến nay hằng năm trên địa bàn tỉnh có trên 30 hộ nuôi cua, ghẹ, trên 120 hộ nuôi hàu Thái Bình Dương và khoảng 300 hộ nuôi cá nước lợ, nước mặn các loại... Trong đó, nghề nuôi hàu Thái Bình Dương, nghề nuôi cá nước lợ, nước mặn, đóng góp quan trọng về tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ven biển.
Anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu, điều kiện môi trường và mang tính đặc thù riêng, bởi giống thủy sản là một dạng hàng hóa tươi sống không thể “lưu kho” hay tiêu thụ dưới dạng sản phẩm nuôi thương phẩm. Do đó, cán bộ trực tiếp phụ trách phải có kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm cao, linh động và xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình sản xuất. Để kết quả trong phòng nghiên cứu đi đến được mô hình thực diễn trên nhiều đối tượng nuôi là cả một quá trình gian nan bởi công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN phải có trình độ, biết đổi mới, chủ động sáng tạo và lòng đam mê, tâm huyết với nghề.
Cùng với những kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, trên cương vị Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm, anh Nguyễn Văn Dũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, ra sức phấn đấu xây dựng mối đoàn kết nội bộ, lắng nghe tâm tư tình cảm của nhân viên để kịp thời giải quyết thỏa đáng các khó khăn của nhân viên trong đơn vị; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ học tập nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ những đóng góp cho ngành Thủy sản, nhiều năm liền anh được cấp trên khen thưởng.
Anh Thi