Không hành chính hóa, không quá cứng nhắc về nội dung trình bày, các chương trình Cà phê doanh nhân do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức luôn thu hút sự tham gia của các DN cũng như đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Đa số nội dung kiến nghị, phản ánh của DN qua từng chương trình được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tiếp thu, giải quyết, tạo sự đồng thuận cao. Tham gia chương trình Cà phê doanh nhân tháng 4/2023, chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh, hộ kinh doanh Nông Trại Đỏ, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) không chỉ được lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, cung cấp thông tin về các chương trình hỗ trợ DN trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, tại chương trình Cà phê doanh nhân lần này, chị còn được anh Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ chế biến sau thu hoạch để tìm cách bảo quản nước si-rô và mứt si-rô thông qua chương trình “1 kèm 1” do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động và triển khai. Chị Trinh chia sẻ: Trong không gian mở, gần gũi và gắn kết của chương trình Cà phê doanh nhân, tôi được những doanh nhân đi trước tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi cho tôi rất nhiều những kiến thức bổ ích, ví dụ như cách áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; cách mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm... Bên cạnh đó, chương trình với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cũng đã tạo ra một diễn đàn kết nối chính quyền với DN, giúp DN nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thông tin thiết thực, sát sườn về các vấn đề thời sự đang diễn ra và tác động trực tiếp đến DN.
Chương trình Cà phê doanh nhân do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức thu hút đông doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết: Thông qua các chương trình Cà phê doanh nhân, Hội nắm bắt được những nhu cầu và khó khăn của DN. Từ đó, triển khai nhiều hoạt động đồng hành, giới thiệu, hỗ trợ các DN tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, xây dựng hệ sinh thái đối tác thông qua các hoạt động, phương thức sản xuất. Từ đầu năm đến nay, Hội đã nghiên cứu, triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ hội viên. Trong đó, làm tốt công tác phát triển hội viên; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, trao đổi với các hiệp hội, hội DN trong và ngoài tỉnh để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối hằng quý nhằm hỗ trợ DN lựa chọn hướng đi trong đầu tư phát triển; thực hiện tư vấn cho DN cải cách lại sản xuất, quản lý DN, tiết kiệm chi phí. Trong 6 tháng cuối năm, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẽ tập trung triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng với hội viên, chương trình “ATM việc làm” và các chương trình xã hội từ thiện...
Ra mắt từ tháng 3/2023, CLB Nữ doanh nhân (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Tổ chức các đợt tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tại các mô hình kinh doanh của các thành viên CLB; phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quản trị sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hướng dẫn, hỗ trợ thành viên CLB tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn các cấp... Với vai trò là mái nhà chung của nữ doanh nhân tỉnh, CLB đã tập hợp, kết nối các nữ chủ DN trong tỉnh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, giúp nhau phát triển bền vững. Không chỉ là điểm tựa của các DN hội viên, CLB còn tập hợp, truyền cảm hứng khởi nghiệp, kinh doanh đến phụ nữ trong tỉnh để chị em có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Câu chuyện của chị Katơr Thị Giang, xã Phước Bình (Bác Ái) là một minh chứng. Với mong muốn đưa đặc sản chuối hột mồ côi Phước Bình đến với người tiêu dùng, từ đó giúp đồng bào Raglai địa phương tăng thêm thu nhập, chị Giang hợp tác với một số chị em trên địa bàn xã trồng và thu mua chuối hột mồ côi Phước Bình, sau đó bán trực tuyến qua Zalo và Facebook. Tuy nhiên, hành trình để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, dù sản phẩm chất lượng nhưng gần như không lan tỏa được đến với khách hàng. Sau khi tham gia CLB Nữ doanh nhân, được chị em động viên tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và được lựa chọn vào vòng bán kết cấp vùng, sản phẩm của chị Giang đã từng bước khẳng định thương hiệu. Chị tâm sự: Tham gia CLB Nữ doanh nhân, tôi được học nhiều kỹ năng để xây dựng, phát triển thương hiệu. Các chị em trong CLB nhiệt tình hỗ trợ tôi trong việc quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, mỗi tuần, qua kênh bán hàng trực tuyến, tôi bán được hơn 700 kg chuối hột mồ côi cho khách hàng ở khắp các địa phương trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghị, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, các CLB, hội doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên, là cầu nối giữa cộng đồng DN với chính quyền và các cơ quan chức năng. Đây cũng là kênh để các DN chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kết nối kinh doanh và tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của các CLB, hội doanh nhân đã và đang góp phần xây dựng môi trường tốt cho các DN hoạt động và phát triển; đồng thời tập hợp, phát huy được sức mạnh của cộng đồng DN đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Minh Thương