Mỹ vận hành lò phản ứng hạt nhân mới sau 7 năm

Lần đầu tiên trong 7 năm, Mỹ đã đưa vào vận hành lò phản ứng mới tại một nhà máy điện hạt nhân.

Công ty điều hành điện bang Georgia thông báo tổ máy số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Vogtle, thành phố Waynesboro, đã chính thức phát điện ngày 31/7, cung cấp điện cho khoảng 500.000 hộ gia đình và doanh nghiệp.

Việc vận hành lò phản ứng hạt nhân mới này cho thấy sự đầu tư dài hạn cho kế hoạch thúc đẩy năng lượng sạch của bang Georgia và sẽ cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy, không phát thải, cho khách hàng trong nhiều thập niên tới.

Mỹ vận hành lò phản ứng hạt nhân mới sau 7 năm. Ảnh: AP

Theo ước tính của Cơ quan điện lực bang Georgia (MEAP), chi phí cho tổ máy số 3 và lò phản ứng thứ tư, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024, lên tới 30 tỷ USD. Con số này gấp đôi so với ngân sách 14 tỷ USD vốn được công bố trước đó.

Theo Công ty điều hành điện bang Georgia, một khi cả 4 tổ máy đi vào hoạt động, nhà máy điện hạt nhân Vogtle sẽ trở thành đơn vị sản xuất năng lượng sạch lớn nhất nước Mỹ. Tổ máy số 3 và số 4 là dự án lò phản ứng mới đầu tiên được Chính phủ Mỹ phê duyệt kể từ năm 1979, thời điểm xảy ra sự cố hạt nhân trên đảo Three Mile (bang Pennsylvania) - vốn được coi là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Gần đây nhất, vào năm 2016, Mỹ đã vận hành tổ máy số 2 tại nhà máy hạt nhân Watts Bar ở Tennessee sau hàng chục năm dự án bị đình chỉ.

Kể từ năm 1990, chỉ có 3 lò phản ứng đi vào hoạt động tại Mỹ, đó là 2 tổ máy tại nhà máy hạt nhân Watts Bar vào các năm 1996 và 2016, và tổ máy số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Vogtle. Hiện các nhà sản xuất đang có kế hoạch chuyển sang các cơ sở điện hạt nhân thế hệ mới và có quy mô nhỏ hơn, được gọi là lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). SMR được cho là sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng, cũng như vận hành và an toàn hơn các nhà máy điện thông thường. Cho đến nay, Mỹ chưa đưa vào vận hành SMR nào.

Theo TTXVN/Báo Tin tức