Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giải ngân vốn Chương trình đến tháng 7/2023 gồm: Vốn Đầu tư phát triển là 45,86 tỷ đồng, đạt 37%; vốn sự nghiệp là 5,44 tỷ đồng, đạt 7,4%. Các đơn vị giải ngân vốn thấp là UBND huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm…Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND các huyện, thành phố sớm phê duyệt dự toán kinh phí (nhất là đối với công tác quy hoạch), kết quả đấu thầu để có cơ sở ứng vốn cho các đơn vị tư vấn, thi công, tăng tỷ lệ giải ngân vốn; chỉ đạo các HTX sớm tuyển dụng và phê duyệt danh sách hỗ trợ lao động trẻ để có cơ sở chi hỗ trợ, giải ngân ngân vốn; cũng như sớm phê duyệt dự toán các dự án liên kết sản xuất, đẩy nhanh tiến độ, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện để có cơ sở thanh toán, giải ngân vốn.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình hiện nay có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm, nguyên nhân khách quan do các hướng dẫn của Trung ương chưa đầy đủ, khối lượng công việc nhiều; nguyên nhân chủ quan do các đơn vị, địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa quyết liệt. Đồng chí yêu cầu các địa phương và cơ quan chủ trì Chương trình tích cực tháo gỡ cụ thể từng việc, tăng cường phối hợp hơn nữa, không để tồn đọng việc; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia vào thực hiện Chương trình. Giao Sở Tài chính sớm phân bố kinh phí ngân sách tỉnh đối ứng hỗ trợ thực hiện Chương trình cho các địa phương để có nguồn thanh toán.
Xuân Nguyên