Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đến cuối tháng 6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 21.496 tỷ đồng, tăng 1.139 tỷ đồng (tăng 5,59%) so với cuối năm 2022, đạt 94,28% kế hoạch năm 2023 (đáp ứng khoảng 54,47% nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng). Đối với hoạt động cho vay, đến cuối tháng 6 đạt 33.567 tỷ đồng, tăng 5.154 tỷ đồng (tăng 18,14%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số cho vay ngắn hạn đạt 30.907 tỷ đồng, chiếm 92,08%; cho vay trung và dài hạn đạt 2.660 tỷ đồng, chiếm 7,92%. Về dư nợ xấu trên địa bàn đến nay còn 229,2 tỷ đồng, chiếm 0,58% so với tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước 0,01%. Điều đó cho thấy, các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh mà ngành NH triển khai đã phát huy hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VietinBank Ninh Thuận chấp hành nghiêm quy định về lãi suất và cho vay,
phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Phan Bình
Nhằm tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, từ đầu năm đến nay, các NH trên địa bàn tỉnh chủ động, linh hoạt điều hòa lượng tiền đầy đủ; đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn kho quỹ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ cho vay tập trung chủ yếu vào các ngành: Nông nghiệp - thủy sản đạt 8.580 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,45% trong tổng dư nợ, tăng 453 tỷ đồng (tăng 5,5 7%); Công nghiệp - xây dựng đạt 7.590 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,98%, tăng 610 tỷ đồng (tăng 8,74 %); Thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng đạt 23.830 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,58%, tăng 1.805 tỷ đồng (tăng 8,20%) so với cuối năm 2022. Đặc biệt, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, các NH, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 442 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu 551 tỷ đồng, trong đó có 57 khách hàng là DN với số tiền 424 tỷ đồng; 385 khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác với số tiền 127 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các NH còn thực hiện miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 110 khách hàng với tổng giá trị 56 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới 28.867 tỷ đồng, trong đó khách hàng DN 14.871 tỷ đồng; khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 11.282 tỷ đồng.
Ngoài các chính sách cho vay và hỗ trợ kể trên, từ đầu năm đến nay các NH còn thực hiện tốt chương trình tín dụng theo cơ chế chính sách của Chính phủ và của ngành NH. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đến cuối tháng 6 đạt 14.462 tỷ đồng với 136.617 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 274 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 6.680 tỷ đồng, tăng 131 tỷ đồng. Cho vay công nghiệp hỗ trợ đến thời điểm 31/5 đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 161 tỷ đồng. Cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đến 30/6 đạt 336 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng. Cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình của NH Chính sách xã hội, đến 30/6 dư nợ đạt 3.157,3 tỷ đồng với 78.419 khách hàng/100.765 món vay, tăng 221,7 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2027.
Đối với các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, gồm: Cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến thời điểm ngày 31/5/2023, dư nợ cho vay đóng mới, nâng cấp tàu hiện còn 353,57 tỷ đồng/42 tàu cá. Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN đến cuối tháng 5/2023 dư nợ còn 7,6 tỷ đồng với 61 khách hàng. Về cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ để phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đến thời điểm ngày 31/5/2023, dư nợ đạt 70,6 tỷ đồng/212 khách hàng vay. Riêng cho vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh khách hàng mới.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng gắn với an toàn vốn, theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, từ nay đến cuối năm, NHNN tỉnh bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành NH và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tăng cường giám sát, chỉ đạo các NH, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh, NHNN Việt Nam về tiền tệ, tín dụng. Trước mắt, triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, các NH tích cực chuyển đổi số. Chỉ đạo, giám sát các NH thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng về cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực NH. Tiếp tục thực hiện có các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lãi suất huy động, cho vay và phí dịch vụ. Đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ phù hợp với định hướng của ngành NH và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.;
Linh Giang