Đồng chí Phan Ngọc Minh, Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Nam, cho biết: Toàn huyện hiện có 5.552 hội viên (HV) ND, sinh hoạt tại 8 cơ sở hội với 37 chi hội trực thuộc. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, HV, ND về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản liên quan đến nông nghiệp, ND, nông thôn, qua đó khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương và của Hội. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của ND, từng bước khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo nên sự đồng thuận xã hội và tập hợp đông đảo ND vào tổ chức hội, góp phần củng cố niềm tin của ND với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Nông dân xã Nhị Hà ứng dụng hiệu quả các mô hình
canh tác nông sản sạch đem lại giá trị kinh tế cao.
Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua SXKD giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, trong nhiệm kỳ, Hội đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền HV, ND chuyển hướng sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh, chuyển đổi cây trồng theo hướng phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương, từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu, nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế, năng suất chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên địa bàn đem lại lợi ích thiết thực cho ND, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, ND huyện đã “làm chủ” nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: Sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”; mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây trồng; mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng, trồng xen canh cây ăn quả; nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững về chăn nuôi bò thịt; trồng dưa lưới, cà chua theo hướng canh tác nông nghiệp công nghệ cao... Trong lĩnh vực thế mạnh kinh tế biển, ngư dân địa phương cũng đi đầu trong việc đầu tư nâng cao năng lực tàu thuyền và lắp đặt thiết bị máy dò ngang làm tăng hiệu quả khai thác. Hiện toàn huyện có 1.017 chiếc tàu cá của ngư dân với tổng công suất 204.903 CV; có 2 nghiệp đoàn đánh bắt cá cơm và 106 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển; sản lượng khai thác trung bình hằng năm ước đạt 77.363 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản trung bình hằng năm khoảng 250 ha, sản lượng thu hoạch 3.369 tấn/năm. Sản xuất tôm giống, bình quân hằng năm trên 1.950 triệu post, đáp ứng được nhu cầu giống trong và ngoài tỉnh.
Các cấp hội trên địa bàn huyện còn phối hợp với các ngành tạo nguồn vốn cho HV, ND phát triển SXKD, giải quyết việc làm. Theo đó, tổng dư nợ thực hiện tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đạt hơn 81,7 tỷ đồng giải ngân cho 1.792 hộ; tổng dư nợ cho vay hộ sản xuất nông nghiệp, ND, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 80 tỷ đồng cho 1.165 hộ. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ ND tỉnh, Hội ND các xã cũng triển khai giải ngân 34 mô hình, dự án với tổng với 8,09 tỷ đồng. Thông qua các mô hình dự án đã tạo điều kiện cho HV, ND có vốn để phát triển SXKD, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững và góp phần xây dựng tổ chức hội, xây dựng NTM ở địa phương. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 7,68%; có 6/8 xã đạt chuẩn NTM. Tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội ổn định; các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai, tạo diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang.
Bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả từ phong trào thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện Thuận Nam đã thúc đẩy, khích lệ HV, ND đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, đột phá xây dựng các mô hình mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương từng bước phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội. Qua phong trào đã xuất hiện các gương điển hình mới, tiêu biểu, mang sắc thái riêng của Hội. Kết quả trong nhiệm kỳ qua, toàn huyện có gần 15.000 lượt HV đăng ký danh hiệu ND SXKD giỏi; qua đánh giá bình xét hằng năm có 1.625 hộ đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp. Các HV SXKD giỏi không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân mà còn tích cực giúp đỡ 52 HV, ND có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngư dân Phan Văn Loan ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, một điển hình nông dân SXKD giỏi của huyện, chia sẻ: Tôi vừa là chủ tàu, vừa là tổ trưởng tổ đoàn kết khai thác trên biển. Bản thân luôn xác định tích cực tham gia và thực hiện tốt 2 nhiệm vụ vừa làm kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 14 lao động biển và thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ 7 hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương những lúc ốm đau, hoạn nạn, khó khăn. Qua đây tôi mong muốn góp một phần nhỏ cùng chính quyền địa phương chia sẻ, động viên các hộ nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Theo đồng chí Phan Ngọc Minh, để phong trào ND SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo ngày càng lan tỏa đi vào chiều sâu, trong thời gian tới, Hội ND huyện Thuận Nam tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ HV, ND, nhất là hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế điển hình, phù hợp với mỗi địa phương. Cùng với thi đua SXKD giỏi, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và phong trào ND; đẩy mạnh kết nối giữa HV, ND với các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng các mô hình điển hình “dân vận khéo”, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của HV, ND trong xây dựng NTM, phấn đấu đưa huyện Thuận Nam hoàn thành mục tiêu huyện NTM trong năm 2025 và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
Bảo An