(NTO) Theo Sở Công Thương, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính 6 tháng, các doanh nghiệp đã tổ chức được 35 đợt đưa hàng hoá về nông thôn với doanh thu khoảng 1,25 tỷ đồng. Hàng hoá chủ yếu là lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát. Vào ngày 24 hàng tháng, Công ty TNHH TM & DV Sài Gòn-Phan Rang và một số doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức đưa hàng hoá tham gia phiên chợ xã miền núi Ma Nới. Cùng với đó, nhiều cuộc hội chợ, triển lãm hàng Việt cũng được Sở Công Thương phối hợp tổ chức như “Hội chợ Thương mại – Du lịch Ninh Thuận 2011”; “Hội chợ Thương mại – Làng nghề gắn với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ và Lễ hội Ka-tê tỉnh Ninh Thuận 2011”; Hội chợ Triển lãm Thương mại và vật tư, thiết bị nông nghiệp tại Vĩnh Long
Chương trình đưa “Hàng Việt về nông thôn” được triển khai sâu rộng,
đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Văn Miên
Các doanh nghiệp tham gia hội chợ còn ký kết nhiều hợp đồng giao dịch, mở thêm nhiều điểm phân phối để mở rộng thị trường. Thông qua những hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt đã khẳng định vị thế của mình tại thị trường tỉnh nhà bằng chính chất lượng của mỗi sản phẩm. Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, với tỷ trọng hàng Việt chiếm trên 95% cũng luôn nằm trong tốp dẫn đầu về doanh thu của cả hệ thống Co.op Mart. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng có sự tin tưởng lựa chọn hàng sản xuất trong nước, khi mặt hàng đó bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp và có kênh phân phối tốt.
Tuy nhiên, những hoạt động như trên mới được tổ chức ở quy mô nhỏ, tập trung ở địa bàn thành phố, còn khu vực nông thôn thì vẫn ít có cơ hội tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước. Tỉnh ta có địa bàn rộng, nên việc xây dựng kênh phân phối đa dạng và tăng cường tuyên truyền nhận thức về hàng nội cần được chú trọng hơn. Hình thức tổ chức các hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu hàng hóa, tư vấn tiêu dùng, kỹ năng bán hàng... diễn ra trong các kỳ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao có thể xem là một kênh tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt khá hiệu quả.
Nón bảo hiểm-hàng Việt Nam chất lượng cao được đưa về bán tại vùng nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương thì để thực hiện có kết quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trách nhiệm trước tiên thuộc về doanh nghiệp. Bởi vì dù có tuyên truyền, vận động người tiêu dùng đến đâu thì sức thuyết phục nhất vẫn là chất lượng, giá cả sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm, hàng hóa, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có những chợ ở các huyện chiếm đến 90% là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thiết nghĩ, tại những nơi như vậy thì càng cần phải có hàng hóa của Việt Nam để người tiêu dùng có thể lựa chọn và so sánh theo lợi ích tiêu dùng, qua đó doanh nghiệp sẽ xây dựng được mạng lưới phân phối, cạnh tranh để hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường ở nông thôn. Chị Nguyễn Thị Thanh, ở khu phố 5, phường Phủ Hà (Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: “Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc có hại cho sức khỏe nên tôi chỉ tin dùng những sản phẩm trong nước có uy tín trên thị trường. Đặc biệt, khi sử dụng các mặt hàng thực phẩm có thương hiệu trong tỉnh rất là yên tâm về chất lượng, giá cả lại phù hợp”. Dạo qua một số gian hàng tại Co.op Mart thì thấy rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu tỉnh nhà chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thời gian qua như: Rau an toàn Văn Hải, DNTN rau an toàn Hai Phước; trứng gia cầm Huệ Hải, Năm Kiên; bún tươi Sáu Nghĩa; thịt heo Nguyễn Thị Yến; táo, nho..… của các nhà vườn; cho đến các mặt hàng đặc sản quê hương như: mủ trôm, mứt nho, rượu vang, mật nho, tỏi chùm Mỹ Tường…cũng đã được phân phối trên các hệ thống Co.opMart trong cả nước.
Nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng thay đổi, tâm lý ưa hàng ngoại, hàng rẻ tiền giờ đây không còn nữa mà thay vào đó là sự yên tâm về chất lượng, giá cả của sản phẩm mang thương hiệu Việt. Do đó, để duy trì thị hiếu của người tiêu dùng, Sở Công Thương và các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình cụ thể đưa hàng hóa về nông thôn, xây dựng thói quen cho người tiêu dùng tin tưởng và luôn hướng tới sản phẩm Việt mỗi khi có nhu cầu.
Hàn Dạ Nguyệt