Sẵn sàng tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023, những ngày qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đang phối hợp với các đơn vị thực hiện các công đoạn từ thiết kế, vận động doanh nghiệp (DN) tham gia đến lắp đặt, trang trí đảm bảo Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023 (gọi tắt là hội chợ) diễn ra thành công.

Hội chợ diễn ra từ ngày 13 đến 19/6 tại khu vực Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), với quy mô 300 gian hàng của 150 DN trưng bày, giới thiệu nho, vang, các sản phẩm OCOP, đặc sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm lưu niệm, hàng công nghiệp và ẩm thực vùng miền của các DN trong và ngoài tỉnh.

Đơn vị thi công lắp đặt các gian hàng phục vụ hội chợ.

Thông qua hội chợ, nhằm giúp các DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông và xuất khẩu sản phẩm, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng, quảng bá thương hiệu đến với người tiêu dùng và du khách.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng phục vụ du khách đến với hội chợ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cùng các đơn vị liên quan gấp rút triển khai các phần việc để hội chợ diễn ra đúng kế hoạch. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại, cho biết: Đây là sự kiện quan trọng, do đó công tác chuẩn bị được đơn vị chú trọng, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhờ đó đã đem lại hiệu ứng tốt cho việc vận động các DN tham gia. Đến nay, đơn vị tư vấn và Trung tâm đã phối hợp đăng tải thông tin về hội chợ trên mạng xã hội, mọi cá nhân có thể tìm kiếm thông tin, vị trí gian hàng của các đơn vị, DN theo sơ đồ tại Trang thông tin Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, việc vận động cũng đã bảo đảm số DN và gian hàng theo quy mô hội chợ cấp vùng từ 250-300 gian/110 DN, trong đó, có 17 tỉnh đăng ký tham gia 42 gian hàng sản phẩm OCOP, đặc thù của các địa phương, như: Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Quảng Nam, Lào Cai, Tây Ninh, Nam Định, Bình Phước, Phú Quốc (Kiên Giang), Gia Lai, Nghệ An, Kon Tum, Bình Định, TP. Hà Nội, Bình Dương. Hiện công tác bố trí mặt bằng tổng thể tiến hành thuận lợi, các gian hàng đã được phân khu bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho khách tham quan và mua sắm. Nhìn chung, về tiến độ tiển khai hội chợ bảo đảm theo thời gian và hoàn tất các hạng mục còn lại để bảo đảm khai mạc vào lúc 18 giờ ngày 13/6/2023.

Một trong những hoạt động thu hút du khách tham quan chính là chương trình văn hóa văn nghệ mỗi đêm. Theo Ban tổ chức hội chợ, các tiết mục ca nhạc, văn nghệ tại đêm khai mạc, bế mạc và các buổi tối diễn ra hội chợ thể hiện được nét văn hóa của tỉnh, đồng thời mang âm điệu vui tươi, mới mẻ nhằm thu hút du khách.

Ngoài những công việc đã triển khai, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đang tích cực hoàn thành những công việc tiếp theo để hội chợ được diễn ra thành công tốt đẹp, như: Tiếp tục tập kết thêm thiết bị và thi công dàn dựng nhà tiền chế, gian hàng tại khu vực đất trống 5.000 m2 và đường bê tông phía Tây Tượng đài 16 Tháng 4. Các bộ phận chuyên trách cơ sở vật chất, kỹ thuật dàn dựng các gian hàng tiêu chuẩn, phục vụ cho việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu của các đơn vị, DN, với sự chú trọng về tính thẩm mỹ, trang trọng. Lắp đặt, dựng các cổng chính, cổng phụ và trang trí băng rôn rực rỡ, sân khấu phục vụ lễ khai mạc, bế mạc và các đêm văn nghệ cũng đang được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị âm thanh, ánh sáng... Nguồn cung ứng điện nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống bảo vệ an ninh trật tự đang hoàn thành.

Với sự chuẩn bị chu đáo, hy vọng hội chợ sẽ là cơ hội để các DN giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành thương mại của tỉnh nói riêng và của khu vực Nam Trung Bộ nói chung.