Cụm tin quy hoạch phát triển

Theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND được HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI Kỳ họp thứ 12 thông qua, các lĩnh vực đột phá, động lực và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 5 ngành, lĩnh vực quan trọng, gồm: Năng lượng, Năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản, các lĩnh vực khác được tỉnh xác định như sau:

* Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ gắn với hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ hữu cơ cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi đặc thù để thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực định hướng thị trường xuất khẩu. Phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Tập trung trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng phục hồi và quản lý nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Tàu thuyền cập bến Cảng Mỹ Tân (Ninh Hải) để tiêu thụ hải sản. Ảnh: Văn Nỷ

* Ngành thương mại, dịch vụ: Phát triển ngành thương mại, dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; kết hợp hài hòa giữa phát triển loại hình thương mại truyền thống với các loại hình thương mại điện tử; phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại. Xây dựng, xúc tiến các mô hình triển lãm hội chợ, xây dựng, quảng bá thương hiệu về các sản phẩm dịch vụ thế mạnh của tỉnh tạo thuận lợi thúc đẩy liên kết phát triển vùng và các đối tác trong nước, quốc tế. Hình thành trung tâm logistics vùng gắn với cảng biển tổng hợp Cà Ná.

Khách hàng tin dùng các sản phẩm nông sản của hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

* Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận và sử dụng các công nghệ mới.

* Văn hóa – xã hội: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Học viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thực hành môn tin học. Ảnh: Văn Nỷ

Xây dựng phát triển y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa khám chữa bệnh với y tế dự phòng, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, chế độ chính sách người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

* An ninh quốc phòng: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; gắn phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng.