Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 24/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (Dự án).

Khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi

Nhấn mạnh tính cần thiết đầu tư Dự án khi trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự án này được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đồng thời, Dự án còn nhằm phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh. Tuyến đường được đầu tư sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường ĐT656 kết nối lên huyện miền núi Khánh Sơn và rút ngắn khoảng 15 km từ huyện Khánh Sơn về thành phố Nha Trang; mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng. Việc đầu tư Dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết...

Dự án đầu tư công chia thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án thành phần xây lắp. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng.

Dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A. Trong khi đó, Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn. Trong thời gian qua, đã có một số dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, trình Quốc hội xem xét, giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công ...

Cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ Dự án, khảo sát thực tế và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án.

Theo đó, hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa có phương án trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng để thực hiện Dự án. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ 15/2/2023, tỉnh có thể trồng rừng thay thế cả ở khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cập nhật các quy định mới của pháp luật và cân nhắc các phương án trồng rừng tối ưu để tránh phát sinh chi phí trồng rừng, dẫn đến tổng chi phí tăng, kéo dài thời gian triển khai Dự án.

Về thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2027, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, với quy mô, tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ, tái định cư của Dự án, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vào Kỳ họp thứ 5 và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, tiến độ thực hiện Dự án theo Tờ trình của Chính phủ chưa phù hợp. Các ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.

Về 3 phương án về hướng tuyến của Dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành hướng tuyến theo phương án 2. Theo phương án này, Dự án có độ dài tuyến hợp lý (ngắn hơn phương án 1 là 3,3 km); đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; tuân thủ quy định không đi qua các điểm khống chế, không đi vào phân khu bảo tồn nghiêm ngặt thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, các khu tập trung đông dân cư, quy hoạch xây dựng hồ chứa nước Sông Cầu; phù hợp với địa hình, địa vật, thủy văn khu vực tuyến đi qua, hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, chiếm dụng đất rừng, đất trồng lúa. Phương án này cũng giảm thiểu khối lượng đào đắp và phù hợp cảnh quan môi trường vùng đặt tuyến; có hiệu quả cao về mặt kinh tế (vì nếu theo phương án làm hầm xuyên núi sẽ rút ngắn chiều dài tuyến 10,3km và giảm còn 8,58 ha rừng nhưng kinh phí tăng 3,72 lần).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với đề xuất của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện Dự án là giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện Dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy giải thích, Dự án có tiêu chí diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng lớn hơn 50 ha nên thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Dự án có quy mô tương đương nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công, vốn đầu tư không lớn, công trình cấp III, mức độ kỹ thuật thi công không phức tạp nên việc áp dụng các quy định theo pháp luật về đầu tư công sẽ kéo dài thời gian thực hiện Dự án, lãng phí nguồn lực đầu tư công. Trong khi đó, việc áp dụng cơ chế đặc thù cũng đã được Quốc hội cho phép triển khai đối với một số dự án quan trọng quốc gia trong thời gian gần đây. Tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án giao thông có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự hoặc lớn hơn.

Đồng thời, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh liên quan đến Dự án trong thời gian Quốc hội không họp để tránh việc kéo dài thời gian hoàn thành Dự án trong trường hợp phát sinh phải điều chỉnh cục bộ Dự án ở giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện nhiều thủ tục phức tạp theo pháp luật về đầu tư công…

Theo TTXVN/Báo Tin tức