(NTO) Huyện Ninh Hải có tổng dân số gần 100 ngàn người, trong đó có 90% là dân tộc Kinh, 8,56% dân tộc Chăm, 0,51% dân tộc Ra glai và còn lại là một số ít là dân tộc Hoa. Tuy đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng đây lại là đối tượng được Huyện ủy quan tâm trong công tác dân vận. Đồng chí Trương Kim Quang, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: “Xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả vùng tôn giáo là một biện pháp dân vận được Huyện ủy Ninh Hải tập trung lãnh đạo”.
Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) chăm sóc cây hành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay tổng số lực lượng cốt cán trong tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ninh Hải có 44 người, đây là những người tiêu biểu có uy tín thuộc thành phần: trí thức, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo. Vai trò của họ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được thể hiện rõ. Đơn cử ở xã Xuân Hải có vụ việc khiếu nại đất đai kéo dài của bà Ninh Thị Chút (thôn Phước Nhơn), nhờ vận động thuyết phục của ông Nguyễn Văn Tỷ (trí thức người Chăm cùng thôn) và ông Đạo Thanh Nhung (người cao tuổi dân tộc Chăm thôn An Nhơn) mới giải quyết xong. Hay như tại 2 thôn đồng bào dân tộc Ra glai Đá Hang, Cầu Gãy (Vĩnh Hải), các ông Cao Văn Đen, Cao Văn Dư là người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực vận động nhân dân tham gia đề án “Xóa đói, giảm nghèo” đạt hiệu quả bước đầu. Các vùng tôn giáo cũng có nhiều cá nhân nổi bật như: Nữ tu Nguyễn Thị Thu Hà (Giáo xứ Thái Hà), cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2006-2010); nữ tu Nguyễn Thị Thanh Lộc (chùa Xuân Quang, Xuân Hải), linh mục Ngô Mạnh Điệp (Tân Hải) vận động tín đồ chấp hành pháp luật và Giáo xứ Thanh Điền vận động nhân dân xây dựng nhà cho hộ nghèo.
Nhận rõ tác dụng của công tác dân vận qua tranh thủ lực lượng cốt cán, Huyện ủy Ninh Hải đã thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, qua thử thách, rèn luyện đã có một số trưởng thành được kết nạp vào Đảng. Hiện đã có 51 đảng viên người dân tộc thiểu số đang công tác và sinh hoạt tại xã, bao gồm 30 đảng viên người Chăm và 21 đảng viên người Ra glai. Trong 6 thôn đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập 4 chi bộ, trong đó có Chi bộ thôn Phước Nhơn 1, 2, 3 sinh hoạt ghép do mới tách. Theo đánh giá của Huyện ủy Ninh Hải, nhìn chung trong những năm qua, những người tiêu biểu, có uy tín trong tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò cốt cán, tinh thần trách nhiệm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Chính họ đã phản ảnh tâm tư, nguyện vọng nhân dân, thông tin tình hình an ninh chính trị địa phương cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng.
Có thể nói lực lượng cốt cán, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành chỗ dựa tin cậy, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Huyện ủy Ninh Hải xác định việc xây dựng chính sách đối với đối tượng trên không chỉ là sự động viên, trân trọng mà còn tạo điều kiện để họ phát huy khả năng trong cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Theo hướng đó, Huyện ủy Ninh Hải sẽ thực hiện tốt các chính sách được quy định, có giải pháp thiết thực giúp đỡ những cá nhân cốt cán cả về đời sống vật chất và tinh thần, giải quyết các nhu cầu chính đáng để phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của họ trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo, từ đó gắn bó lâu dài với chính quyền, là điều kiện cần thiết cho công tác tranh thủ, sử dụng đạt hiệu quả cao và bền vững. Đặc biệt là tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ chức sắc, người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, tôn giáo về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, Huyện ủy Ninh Hải tiệp tục phát triển lực lượng cốt cán trong tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện . Đồng chí Trương Kim Quang nhấn mạnh: “Công tác tranh thủ, sử dụng người có uy tín, tiêu biểu là một công tác lớn, mang tính đặc thù, có ý nghĩa chiến lược đối với việc đảm bảo an ninh trật tự ở vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo. Làm tốt công tác này sẽ tạo tiền đề cho công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận của Đảng thuận lợi hơn”.
Bạch Thương