'Địa chỉ đỏ' lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh

Hướng tới kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), sáng 11/5, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh".

Hội thảo nhằm khẳng định giá trị, tầm vóc của Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong chặng đường 20 năm hình thành, phát triển; đánh giá thực tiễn 20 năm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công trình Quảng trường và Tượng đài Bác.

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là "Địa chỉ đỏ" lan tỏa di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

Điểm đến có ý nghĩa khi hành hương về thăm quê Bác

Tỉnh Nghệ An hiện có gần 30 di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ nằm ngay trung tâm thành phố Vinh, đây là công trình mang tính biểu tượng văn hóa của tỉnh.

Ngày 19/5/2000, tại trung tâm thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng. Sau 3 năm thi công, công trình khánh thành vào ngày 19/5/2003, đúng dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng thể công trình có diện tích gần 12 ha, gồm nhiều hạng mục như: Lễ đài chính, Lễ đài phụ, đường hành lễ, sân hành lễ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống đài phun nước… nhưng nổi bật nhất, điểm nhấn của Quảng trường Hồ Chí Minh là Tượng đài Bác Hồ cao 12m gồm 9 thớt, 32 phiến đá ghép lại, bằng đá granite, được đặt trên đế và bệ cao 6m, dựa lưng vào dãy núi Chung.

Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ giữa lòng “thành phố Đỏ” từng bước khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong tâm thức các tầng lớp nhân dân Nghệ An và cả nước, xứng tầm là công trình văn hóa - chính trị trọng điểm của tỉnh, ngày càng góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Với vị trí thuận lợi, diện tích rộng, không gian thoáng đãng, thiết kế các hạng mục phù hợp, Quảng trường Hồ Chí Minh là công trình văn hóa - chính trị có nhiều vai trò, chức năng vừa là nơi tổ chức hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, thành phố, nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân vừa là địa chỉ, điểm đến có ý nghĩa của du khách khi hành hương về thăm quê Bác.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ khẳng định, 20 năm kể từ ngày khánh thành, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trở thành công trình kiến trúc, không gian văn hóa đặc sắc của thành Vinh. Nơi mỗi lần đi qua, chúng ta không thể không ngước nhìn bức tượng Bác Hồ với phong thái giản dị, gương mặt ngời sáng. Nơi mỗi lần đi bộ giữa những ô cỏ vuông, trong lòng chúng ta dâng lên một nỗi xao xuyến và xúc động nhớ về Bác - vị cha già kính yêu của dân tộc.

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là địa chỉ trang trọng, linh thiêng để tổ chức buổi sinh hoạt chính trị, dâng hoa, báo công tưởng niệm với tấm lòng thành kính của nhân dân cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban ngành Trung ương và bạn bè quốc tế khi hành hương về thăm quê Bác.

Trong 20 năm qua, Quảng trường Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 70 triệu lượt khách đến tham quan, tưởng niệm, vui chơi giải trí. Trung bình mỗi năm đón 3,5 triệu lượt người, hướng dẫn cho hơn 1.000 đoàn khách, tổ chức nghi lễ dâng hoa, tưởng niệm cho gần 500 đoàn.

Nâng tầm công trình

Quang cảnh Hội thảo.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng, việc phát huy công trình gắn với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên chính quê hương Người là nhiệm vụ quan trọng cần có định hướng dài hơi, giải pháp thiết thực, hiệu quả. Thời gian tới, cần có định hướng cụ thể hơn cho việc tổ chức các hoạt động để những giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh được lan tỏa, phát huy hiệu quả.

Để đạt được điều đó, theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, cần tiếp tục tổ chức, lan tỏa hơn nữa hoạt động tri ân, tưởng niệm và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Quảng trường. Ngoài hoạt động được tổ chức thường xuyên lâu nay, cần nghiên cứu thêm một số hoạt động trải nghiệm tập thể theo chủ đề, buổi nói chuyện chuyên đề về Bác kết hợp dâng hoa, báo công với Bác; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Quảng trường Hồ Chí Minh, hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tỉnh… Những hoạt động này góp phần lan tỏa, nâng tầm giá trị tốt đẹp của văn hóa Hồ Chí Minh đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Hạng mục công trình được xây dựng là cơ sở cho việc quy hoạch không gian văn hóa đồng bộ, kết hợp xây dựng thêm không gian trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh về quá trình hình thành, phát triển của công trình, tư tưởng Hồ Chí Minh và Bác Hồ với quê hương, quê hương với Bác. Song song đó, kết nối Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong hệ thống điểm đến du lịch về nguồn.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngoài không gian thực còn phải tính đến xây dựng không gian ảo, không gian trên mạng internet. Với không gian văn hóa Hồ Chí Minh được định hình, mỗi người dân, du khách khi đến Quảng trường Hồ Chí Minh ở mọi không gian, góc nhìn đều được tiếp cận các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng kết Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho rằng, để phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công trình Quảng trường và Tượng đài Bác nhân tố con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, cùng với chuyên môn nghiệp vụ cần chú trọng tới kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ.

Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh cần nâng cao chất lượng các cuộc trưng bày triển lãm, chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật tại Quảng trường để lan tỏa các giá trị; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động và trưng bày triển lãm. Song song đó gắn kết hoạt động du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch; đa dạng hóa hình thức giáo dục, tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm cho người dân, đối tượng chú trọng là học sinh, sinh viên; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị liên quan để bảo vệ và phát huy giá trị công trình.

Theo TTXVN/Báo Tin tức