Vùng đất “đặc sản” gió Ninh Thuận sở hữu nhiều lợi thế với những vịnh biển nguyên sơ giờ đây hình thành nên các khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá. Vượt qua khó khăn từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển. Công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch (DL) trọng điểm hấp dẫn du khách được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến đầu năm 2023, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 75 dự án DL, với tổng số vốn hơn 60.000 tỷ đồng, nhiều dự án hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó không ít dự án chất lượng, hoạt động hiệu quả, như: Khu DL Sài Gòn - Ninh Chữ; Khu DL sinh thái Nam Núi Chúa (Amanoi), TTC Resort - Ninh Thuận...
Một góc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: T.D
Những ai đến Ninh Thuận những năm gần đây đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay trên mảnh đất này. Nhiều vùng đất khô cằn sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả trước đây ở huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Thuận Bắc... nay đã hình thành những dự án năng lượng tái tạo (NLTT) quy mô lớn. Với 38 dự án NLTT, tổng công suất hơn 2.585 MW, vận hành thương mại phát điện trên 5,6 tỷ kWh, Ninh Thuận đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm năng lượng tái tạo lớn trên cả nước. Kết quả này minh chứng tư duy đổi mới, sáng tạo trong điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương để bứt phá vươn lên. Trên cơ sở Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, đặc biệt là NLTT của cả nước. Thông qua chủ trương này, tỉnh đã chủ động xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch phát triển điện mặt trời giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, qua đó tạo làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.
Một góc điện mặt trời Bàu Ngứ ở Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Không chỉ có nắng gió làm NLTT, những thắng cảnh nguyên sơ phát triển DL tạo nên sự khác biệt, Ninh Thuận còn năng động hòa nhập vào cuộc sống hiện đại với những khu đô thị ven biển, công nghiệp biển, cảng biển đang dần hình thành. Tính đến đầu năm 2023, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 55 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký hơn 8.218 tỷ đồng, đến nay đã có 35 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó có một số dự án quy mô lớn, góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành Công nghiệp như: Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm; dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ có quy mô 2.510 ha, sản lượng 500.000 tấn/năm; dự án sản xuất chế biến muối cao cấp và muối iốt có quy mô 200.000 tấn/năm... Để đảm bảo phát triển các khu đô thị, cụm công nghiệp ven biển theo đúng định hướng, công tác quy hoạch đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án khu đô thị, khu dân cư với diện tích hơn 168 ha, tổng vốn đăng ký 13.675 tỷ đồng.
Nhìn lại chặng đường 31 năm phát triển để thấy, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với cảng biển nước sâu luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư. Trong đó, hiện nay đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam). Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển, phục vụ lưu thông hàng hóa qua cảng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển KT-XH. Đến nay, cảng biển tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành 1 bến tiếp nhận tàu 100.000 tấn, đưa vào khai thác từ quý III/2022. Để tạo thông suốt, góp phần khai thác có hiệu quả cảng biển tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, cuối năm 2022 tuyến đường giao thông kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná được khởi công xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh và trong khu vực.
Với khát vọng vươn lên, hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung trong khu vực, Ninh Thuận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu đường và hạ tầng giao thông đã đóng góp tích cực trong việc kết nối các vùng miền, các khu, cụm công nghiệp, cảng biển. Ninh Thuận tự hào có con đường ven biển tuyệt đẹp, với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Tuyến ven biển đưa vào sử dụng từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, đảm bảo an sinh cho người dân ven biển, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực DL. Không dừng lại đó, một số dự án giao thông trọng điểm như đường nối thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng); đường Văn Lâm - Sơn Hải... cũng đang được gấp rút thi công. Thông tin dự án tuyến đường động lực kết nối cảng biển tổng hợp Cà Ná lên khu vực Tây Nguyên dự kiến đầu tư trong năm nay khiến cho người dân rất vui mừng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên về cảng biển tổng hợp Cà Ná; kết nối các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ cảng biển, năng lượng sạch và logistics; phát triển kinh tế biển, đô thị biển, DL.
Những thành tựu đạt được qua 31 năm phát triển là một chặng đường gian khó nhưng rất đỗi tự hào và vô cùng ý nghĩa. Thành quả ấy khẳng định chưa bao giờ Ninh Thuận có được tiềm lực và vị thế như hôm nay. Đây là kết quả của sự quan tâm hỗ trợ của trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tâm huyết và trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp hơn.
Anh Tùng