Cà Ná - Phước Diêm: Phát triển xứng tầm khu vực kinh tế phía Nam của tỉnh

Từ một xã biển nghèo chỉ với 3 thôn Lạc Tân, Thương Diêm và Lạc Nghiệp, đến nay, vùng đất cửa ngõ phía Nam huyện Thuận Nam đang thay đổi diện mạo từng ngày nhờ những quyết sách đúng đắn dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. So với các xã biển khác trên địa bàn tỉnh, đời sống nhân dân 2 xã Cà Ná, Phước Diêm hôm nay phát triển mạnh bậc nhất, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh.

Sau ngày thống nhất đất nước, 2 xã Cà Ná, Phước Diêm (khi ấy có tên là Thuận Diêm) bắt tay vào công cuộc xây dựng chính quyền, khôi phục kinh tế với muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhưng với tinh thần nỗ lực vươn lên, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đón nhận “làn gió mới” từ đường lối đổi mới của Đảng, ngư dân trong xã mạnh dạn vay vốn, cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi dài ngày, đánh dấu thời kỳ ăn nên làm ra của người dân xứ biển. Từ đây, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, xã Phước Diêm có 452 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất 130.058 CV. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 3,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,5 triệu đồng/người/năm. Riêng xã Cà Ná có 312 phương tiện tàu thuyền với công suất 60.000 CV; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,98%, thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm.

Xã Cà Ná được đầu tư, tạo diện mạo mới, khang trang.

Nhiều năm qua, các xã Cà Ná và Phước Diêm được tỉnh quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghiệp; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, mạng lưới điện, thủy lợi, cấp thoát nước, cảng cá, xây dựng bờ kè chắn sóng. Các địa phương đã tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, tăng tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ... thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Ông Lê Văn Trước, ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, nguyên cán bộ địa phương từ năm 1986 đến năm 2018 chia sẻ: Trước đây các xã Cà Ná và Phước Diêm đổi thay rất nhiều, kết cấu hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Những con đường đất lầy lội, chật hẹp năm xưa đã được nhựa hóa, bê tông hóa rộng rãi. Tuyến bờ kè ven biển vừa được hoàn thành không chỉ đảm bảo giúp người dân an tâm sinh sống mà còn mở ra hành lang giao thông phía Đông, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Điều mừng nhất là ý thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều, quan tâm nhiều hơn đến việc học của con em, đồng thuận ủng hộ với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương phát động.

Cà Ná - Phước Diêm (Thuận Nam) đang được đầu tư phát triển. Ảnh: Văn Nỷ

Với lợi thế là khu vực cửa ngõ phía Nam của huyện có các trục giao thông quan trọng chạy qua như: Tuyến Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, sắp tới là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam; có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp, có cảng biển tổng hợp Cà Ná công suất thiết kế 27 triệu tấn/năm, trên vùng diện tích khoảng 567 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 25.430 tỷ đồng. Dự án Khu đô thị (KĐT) Đầm Cà Ná với quy mô hơn 64 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng, vừa mới khởi công được kỳ vọng tạo lập một KĐT mới hiện đại, phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối với các khu dân cư hiện hữu tại 2 xã Cà Ná và Phước Diêm. Mới đây nhất, tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021- 2026, tỉnh ta có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường động lực kết nối cảng biển tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên với chiều dài 41 km, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2022, tuyến đường đấu nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná với chiều dài 14,7 km, tổng vốn đầu tư 903 tỷ đồng cũng đã được khởi công, kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông tại khu vực, giúp khai thác hiệu quả cảng biển tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam cho biết: Xã Cà Ná và Phước Diêm có vị thế quan trọng của huyện, là 2 trong số 9 địa phương nằm trong Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đưa Cà Ná, Phước Diêm phát triển nhanh, mạnh, bền vững cũng chính là giải pháp tạo sức bật cho sự phát triển KT-XH huyện nhà. Với vị trí, tầm quan trọng đó, thời gian tới, huyện Thuận Nam tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư; gắn với phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trước mắt, ưu tiên hoàn thành cảng biển tổng hợp Cà Ná, tuyến đường đấu nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, KĐT Đầm Cà Ná; tiếp tục hoàn thiện thủ tục kêu gọi đầu tư Dự án Khu công nghiệp Cà Ná, tổ hợp trung tâm điện khí LNG, Dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná với sức chứa 100.000 m3 và các công trình phụ trợ khác như cảng cạn và trung tâm logistics. Đồng thời, tiến hành các bước kêu gọi đầu tư vào các dự án đô thị, du lịch như: KĐT mới Phước Diêm, KĐT Cà Ná, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Royal Cà Ná, Dự án Khu du lịch sinh thái Cà Ná Star...