Hiệu quả bước đầu từ trồng rau thủy canh

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mô hình trồng rau thủy canh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cung cấp cho thị trường những nông sản sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Minh Châu, ở khu phố 15, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng rau thủy canh đang sinh trưởng tốt của gia đình. Anh Châu cho biết, năm 2012, tốt nghiệp ngành xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Mặc dù có việc làm, thu nhập ổn định hơn 8 năm TP. Hồ Chí Minh nhưng do dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài đã làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm nên anh quyết tâm về quê nhà lập nghiệp ổn định lâu dài.

Nông dân thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) trồng rau thủy canh. Ảnh: Văn Nỷ

Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình về công nghệ, kỹ thuật của các kỹ sư Công ty Nông nghiệp số AgriConnect đang hoạt động ở Vườn ươm doanh nghiệp, Khu Công nghệ cao (TP. Hồ Chí Minh) đã giúp anh mạnh dạn, từ kỹ sư xây dựng “lấn sân” vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đánh dấu con đường khởi nghiệp. Với tinh thần quyết tâm cao, anh Châu sử dụng 500 m2 đất để xây dựng nhà lưới trồng rau bằng 2 phương pháp: thủy canh hồ lưu và thủy canh tĩnh, lắp đặt hệ thống nước, đồng hồ tự động phun sương điều tiết nhiệt độ nhà màng, giàn khung, giá đỡ cây trồng, tận dụng mô tơ cửa cuốn “độ” thành mô tơ kéo màn che để giảm cường độ nắng bảo vệ rau trồng... ước tính chi phí đầu tư ban đầu hơn 620 triệu đồng. Để tạo nguồn thu thường xuyên từ trồng rau thủy canh, anh Châu đã trồng xen kẽ nhiều loại rau ngắn và dài ngày như: Cải bó xôi, cải tần ô, cải thìa, cải dúng, xà lách lô lô, xà lách thủy tinh... Qua quá trình gieo hạt, chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 30-48 ngày, anh thu hoạch xen kẽ, mang đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng trung bình thu hơn 1,2 tấn rau. Tùy từng loại rau cải có giá bán từ 35.000-45.000 đồng/kg. Dự kiến sau 3 năm anh sẽ thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Anh Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp số AgriConnect đến thăm, kiểm chứng trang trại trồng rau thủy canh của anh Châu đang sinh trưởng rất tốt, anh nhận xét: Đây là kết quả của quá trình chăm sóc cây trồng, chuyển giao kỹ thuật, triển khai giải pháp IoT bằng phần mềm chuyên điều khiển vi khí hậu, kết hợp tưới nước tự động. Đến nay, hệ thống hoạt động ổn định, dễ sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian quản lý và chuẩn hóa được quy trình nên mang lại năng suất, chất lượng cao đối với các loại rau trồng thủy canh.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển bền vững, anh Châu rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các nông hộ; định kỳ tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ, tạo mạng lưới kết nối cung - cầu để tiêu thụ sản phẩm rau thủy canh sạch, an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp nông hộ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư, mở rộng trồng các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoàn thiện hệ thống công nghệ tự động hóa trong canh tác cây trồng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, hình thành chuỗi giá trị, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng.