* Ông Phạm Tất Thắng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 314:
Cách đây 48 năm, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Ninh Thuận, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với vai trò người chỉ huy Đại đội Biệt động 314, chúng tôi hiệp đồng Quân đoàn 2 và các đơn vị bạn tiến công làm chủ cơ quan hành chính tỉnh Ninh Thuận vào trưa ngày 16/4/1975. Chúng tôi tiếp quản thị xã Phan Rang - Tháp Chàm với tinh thần tự hào của người chiến sĩ giải phóng được nhân dân địa phương vui mừng chào đón.
Ngay sau ngày giải phóng, tôi được cấp trên phân công đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quân quản ấp Thanh Phong (gồm phường Thanh Sơn và một phần phường Phủ Hà ngày nay). Ở thời điểm đó, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, giai đoạn 1975-1980.
Qua 48 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận và 31 năm tái lập tỉnh, tôi vui mừng nhìn thấy tỉnh nhà phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều tuyến đường mới mở, nhiều công trình mới xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sinh sống của người dân địa phương. Nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhiều khu công nghiệp được đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh nhà ngày càng no ấm, phồn vinh. Với vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự quản lý điều hành của UBND tỉnh, tôi tin tưởng tỉnh nhà tiếp tục phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững.
Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch
tại cửa ngõ vào sân bay Thành Sơn. Ảnh tư liệu
* Ông Nguyễn Tiến Tài, nguyên Chính trị viên Đại đội 311:
Là cán bộ Chính trị viên Đại đội Đặc công 311, tôi nhớ như in nhiều trận đánh làm tiêu hao sinh lực địch trên chiến trường Ninh Thuận. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị chúng tôi từ Bác Ái hành quân về vùng lõm Xóm Dừa phối hợp Đại đội Biệt động 314 do đồng chí Phạm Tất Thắng chỉ huy kết hợp lực lượng du kích đánh chiếm trại lính Nguyễn Hoàng và chi khu quận Bửu Sơn trong đêm 7/4/1975. Sáng hôm sau, quân địch từ sân bay Thành Sơn và từ thị xã Phan Rang kéo lên phản công dữ dội có máy bay yểm trợ. Quân ta có nhiều đồng chí hy sinh, bị thương phải đưa về tuyến sau điều trị. Theo chỉ đạo của trên, các đơn vị rút quân về núi Cà Đú đợi quân chủ lực (Quân đoàn 2) từ Nha Trang vô hiệp đồng tiến về giải phóng Phan Rang.
Sáng sớm ngày 16/4/1975, chúng tôi nghe tiếng đạn pháo và tiếng xe tăng tiến từ hướng Du Long vào Phan Rang. Đơn vị 311 cử cán bộ cầm cờ giải phóng từ núi Cà Đú xuống chặn xe Quân đoàn 2 trao đổi việc tiến công tiếp quản tỉnh Ninh Thuận và truy quét tàn quân. Chúng tôi trưng dụng xe ô tô của người dân chở cán bộ, chiến sĩ từ Cà Đú vô tới đầu thị xã triển khai phương án phối hợp hành quân tiến công chiếm cơ quan hành chính tỉnh. Đồng thời trưng dụng các phương tiện vận tải chạy đến huyện Ninh Sơn đón cán bộ các cơ quan cấp tỉnh về Phan Rang. Đồng chí Huỳnh Hữu Lộng, Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng Tỉnh đội Ninh Thuận trực tiếp chỉ huy các đơn vị triển khai phương án phòng chống địch phản kích và truy quét tàn quân còn ẩn nấp theo kênh mương và khu vườn rẫy. Qua tin báo của quần chúng, đêm 16/4/1975, các đơn vị quân giải phóng truy kích bắt được nhiều quân lính ngụy ẩn núp trong những đám mía của người dân phường Phước Mỹ; trong đó có 2 sĩ quan cao cấp của quân đội ngụy. Chiến công của quân và dân Ninh Thuận góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Vui mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng quê hương và 31 năm Ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi tưởng nhớ nhiều đồng chí mãi mãi nằm lại Phan Rang trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Trong đó có đồng đội các đại đội 311 và 314 anh dũng hy sinh trong ngày 8/4/1975.
* Ông Ngô Ngọc Liễn, cán bộ hưu trí phường Mỹ Hương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):
Năm 1975, tôi là chiến sĩ quân giải phóng đơn vị 211C đặc công thuộc Tỉnh đội Ninh Thuận. Ngày ấy, đơn vị chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng vũ trang tấn công giải phóng huyện Ninh Phước, góp phần giải phóng Ninh Thuận trưa ngày 16/4/1975.
...Mới đó mà 48 năm đã trôi qua, chúng tôi giờ đã là những người cựu chiến binh “có tuổi”. Gắn bó chiến đấu, công tác trên mảnh đất Ninh Thuận nắng, gió vừa tròn 50 năm, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau trong lực lượng vũ trang và Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh, tôi chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của quê hương Ninh Thuận. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Việc quy hoạch, xây dựng các tuyến đường nội thành, liên xã, liên huyện, đặc biệt là tuyến đường ven biển, đường đôi phía Nam vào Tp. Phan Rang- Tháp Chàm... tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển du lịch. Công trình hạ tầng như các hồ: Sông Trâu, Sông Sắt, Tân Giang... tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Đặc biệt, trong những năm qua, điều tôi ấn tượng và tâm đắc là Đảng bộ, chính quyền tỉnh ta đã quan tâm chú trọng làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, xác định các nhóm ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, biến những bất lợi về nắng, gió thành lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để Ninh Thuận ngày càng phát triển, tôi mong trong chặng đường sắp tới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh, có chính sách thiết thực thu hút dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư nước ngoài, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; tiếp tục chăm lo đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trao “cần câu” để người nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sư đoàn 3-Sao Vàng hành quân thần tốc
vào giải phóng Ninh Thuận, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu
* Ông Katơr Dú, Thôn Ú, xã Ma Nới (Ninh Sơn):
Tôi sinh ra và lớn lên tại Ma Nới (Ninh Sơn) trong gia đình giàu truyền thống cách mạng khi mà tất cả 4 anh, chị đều đi kháng chiến trước đó. Vì vậy vào năm 1969, dù chỉ là một thiếu niên 13 tuổi, tôi đã giác ngộ cách mạng và tham gia bộ đội, chiến đấu ở đơn vị C80 thuộc Huyện đội Anh Dũng. Ở giai đoạn nước rút khi toàn quân, toàn dân chiến đấu giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975); giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), với vai trò là Tiểu đội trưởng Tiểu đội Bộ binh, tôi chỉ huy đồng đội bám chắc địa bàn phục binh đánh du kích dọc tuyến đường từ xã Hòa Sơn về tận căn cứ CK7 để tiêu diệt địch trong nhiều tháng liền. Tôi rất tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào giải phóng quê hương Ninh Thuận, thống nhất đất nước. Sau kháng chiến, tôi phục viên trở về xây dựng kinh tế gia đình, đồng thời tham gia công tác tại địa phương để ra sức vận động, tuyên truyền bà con Raglai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày nay, chứng kiến sự đổi thay, tỉnh nhà phát triển trên nhiều lĩnh vực, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, tôi hết sức vui mừng. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ cha ông đi trước, nỗ lực học tập, lao động, sản xuất để xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhóm PV, CTV