Xã Phước Thuận là nơi có Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước được thành lập và cũng là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi nhất của tỉnh. Làng Vạn Phước, nơi ghi dấu sự lan tỏa của các phong trào yêu nước, tại đây đồng chí Trần Thi đã tập hợp thanh niên lập ra “Hội đồng ước”, một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên của những năm đầu của thế kỷ XX, góp phần nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở Ninh Thuận. Tháng 4/1930, đồng chí Trần Thi cùng với các đồng chí: Lê Phiếm và Mai Mạnh thành lập Hội Nông dân phản đế ở làng Vạn Phước. Hội đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, áp bức bất công trong những ngày đầu mới có phong trào cách mạng ở Ninh Phước. Ngày 1/5/1930, làng Vạn Phước là một trong những nơi được Chi bộ Đảng Cộng sản chọn treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động. Năm 1944, Chi bộ Đảng Cộng sản ở làng Vạn Phước được thành lập là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước và là chi bộ thứ 2 của tỉnh Ninh Thuận. Ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Thi, Nguyễn Ngọc Lâm, Mai Mạnh, Nguyễn Đối, nhân dân Vạn Phước nói riêng và huyện Ninh Phước nói chung đã đứng lên giành được chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Phước Thuận một lòng kiên trung theo Đảng tham gia kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng vang dội vào ngày 16/4/1975, giải phóng quê hương Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Một góc trung tâm xã Phước Thuận.
Phát huy truyền thống của thế hệ cha ông đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Thuận ra sức thi đua lao động sản xuất, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày một phát triển. Đồng chí Huỳnh Ngọc Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Từ khi quê hương được giải phóng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Phước Thuận luôn bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra theo hướng khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế; trọng tâm là phát triển các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí đầu tư, giúp nông dân tăng thêm thu nhập như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa được triển khai với diện tích 318 ha, cho năng suất đạt bình quân 7 tạ/ha, giúp nông dân tăng lợi nhuận khoảng 15-17 triệu đồng/ha. Bện cạnh cây lúa, xã Phước Thuận còn phát triển các cây trồng chủ lực như: Nho, táo với diện tích gần 330 ha; trong đó có 50 ha theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình bao lưới chắn côn trùng trên cây táo; khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến, kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm, qua đó giúp người dân tăng giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra. Ngoài ra, từ lợi thế sản xuất, xã khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, trang trại, tổ chức, cá nhân phát triển các ngành nghề truyền thống và những ngành nghề sản xuất từ các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Nho, táo, dê, cừu... Đến nay, trên địa bàn có khoảng 750 cơ sở sản xuất, trong đó có một số cơ sở đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường như: Cơ sở sản xuất nho Ba Mọi, Cơ sở sản xuất vang nho Thiên Thảo, Cơ sở dê cừu Triệu Tín... Xã đã xây dựng được chỉ giới địa lý nho, dê, cừu Phước Thuận, xây dựng được nhiều sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.
Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng với chính quyền địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, xã huy động được trên 60 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn xã bê tông được 13 tuyến đường nội thôn; đường làng ngõ, xóm đạt 93,3%; 100% trục đường chính nội đồng được cứng hóa; trên 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu và chủ động nước; trên 50% diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới nước tiên tiến; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh... hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%. Xã Phước Thuận được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao vào năm 2021.
Ông Phan Ngọc Tuấn, thôn Thuận Lợi phấn khởi bày tỏ: So với trước, Phước Thuận hôm nay đã khởi sắc rất nhiều. Nhân dân ngày càng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, nên đời sống người dân ngày càng ấm no. Đời sống người dân khá giả, bà con có điều kiện xây dựng thôn, xóm khang trang, tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao.
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Du, để tạo động lực cho địa phương ngày càng phát triển, trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Thuận tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế. Tập trung thực hiện phát triển sản xuất, hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình sản xuất hiệu quả để tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế theo hướng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân...
Tiến Mạnh