(NTO) Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tiếp tục có chiều hướng giảm so với tháng 5 và 5 tháng trước đó, cụ thể là chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng chỉ tăng 0,74%, thấp hơn 1,14% so với tháng 5. Trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 0,99% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 1,25%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,68%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,07%. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong 6 tháng đầu năm nhưng cũng góp phần “đẩy” CPI chung 6 tháng lên ở mức 12,74% so với tháng 12/ 2010, tăng gấp 3,62 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao thứ 2 sau năm 2008 nếu tính từ năm 2006 đến nay. Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do tác động của các yếu tố như: điều chỉnh tăng lương của khu vực doanh nghiệp và khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước góp phần làm giá cả tăng. Thời gian nghỉ lễ, tết dài nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ vui chơi giải trí tăng nên giá thực phẩm và giá dịch vụ tăng theo. Giá điện, giá xăng dầu, giá gas tăng, chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng; lãi suất ngân hàng tăng… Giá cả nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu tăng cao đã tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động.
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH THÁNG 6/2011
Nhìn chung giá cả trong 6 tháng qua tăng ở hầu hết các nhóm mặt hàng trừ bưu chính viễn thông. Theo đó, so với tháng 12/2010, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 16,79%, chủ yếu do giá lương thực tăng 7,41% trong đó giá gạo tăng 5,97% do giá lương thực thế giới biến động mạnh nên nhu cầu mua gạo phục vụ xuất khẩu tăng; giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 17,39%, giá tất cả các loại thực phẩm chế biến như bánh phở, bún, bánh mì ... tăng 12,81%; giá thực phẩm tăng 21,24%, đây là nhóm có tốc độ tăng cao nhất trong nhóm hàng lương thực - thực phẩm do ảnh hưởng các chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,...mặt khác dịch bệnh heo tai xanh ở một số tỉnh đã làm cho nguồn cung thịt heo trên thị trường đang có dấu hiệu thiếu hụt so với nhu cầu... Bình quân 6 tháng đầu năm giá thịt heo tăng 53,15%; thịt bò tăng 24,67%; thịt gia cầm tăng 16,69%. Giá các loại thịt tăng nên giá thịt chế biến cũng tăng theo và tăng 35,84%; trứng các loại tăng 10,44%; dầu ăn và chất béo khác tăng 52,37%. Do giá lương thực, thực phẩm liên tục tăng ở mức cao đã tác động không nhỏ đến giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình với chỉ số tăng 11,7%, ...Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 10,51%, do chi phí đầu vào tăng cộng thêm thời tiết nắng nóng nhu cầu sử dụng nước giải khát nhiều nên đã làm cho giá các mặt hàng đồ uống tăng 7,18%; giá thuốc lá tăng 13,33% .Nhóm may mặc tăng 7,47% do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng nên giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều tăng từ 3% đến 21%, giá dịch vụ may mặc tăng 21,65%.
Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng tăng 19,86%, đây là nhóm có tốc độ tăng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng thiết yếu. Nhóm này đã đóng góp vào mức tăng CPI chung của tỉnh trong 6 tháng là 2,05%. Nguyên nhân, do điều chỉnh giá điện, nước, giá xăng dầu, giá gas liên tục tăng, giá sắt thép trên thế giới tăng cao đã làm cho giá vật liệu xây dựng tăng 15,88%, giá nước sinh hoạt tăng 16,24%, giá điện sinh hoạt tăng 36,74%, gas và chất đốt khác tăng 14,55%. Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 4,54%, do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng, chi phí vận chuyển… tăng là nguyên nhân làm cho giá hầu hết các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng. Nhóm giao thông, bưu chính viễn thông tăng 16,82%, đây là nhóm tăng cao thứ 2 trong 11 nhóm mặt hàng thiết yếu do điều chỉnh tăng giá xăng dầu. So với tháng 12 giá xăng đã tăng thêm 4.900đ/lít, giá dầu diezel tăng 6.350đ/lít. Từ việc tăng giá xăng dầu đã tác động đến nhiều ngành có liên quan như: vận tải ô tô khách tăng 10,17%, tàu hoả tăng 30,67%, xe buýt tăng 45,46%, taxi tăng 25%. Nhóm giáo dục tăng 1,98% do đồ dùng học tập và văn phòng tăng 10,83% trong đó sách giáo khoa tăng gần 17%. Nhóm văn hóa giải trí du lịch tăng 5,68%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 10,98%.
So với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 0,03% và tăng 4,68%, Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,94% so với tháng trước và giảm 3,14% so với tháng 12/2010.
Có thể nói, giá cả tiêu dùng có xu hướng giảm dần trong hai tháng 5 và 6 là tín hiệu đáng mừng đối với người tiêu dùng. Kết quả đó còn là minh chứng Nghị quyết 11 của Chính phủ nói chung và Chỉ thị 11 của Tỉnh ủy nói riêng đã ngày càng phát huy trong cuộc sống.
Tuấn Dũng