Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 15/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thuận Nam tổ chức lễ Công bố và đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà (Thuận Nam).

Lễ Ăn mừng lúa mới của đồng bào Raglai xã Phước Hà được diễn ra hằng năm, vài năm hoặc 5 năm một lần tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, tộc họ. Thời điểm diễn ra Lễ Ăn mừng đầu lúa mới thường được tổ chức vào dịp tháng 3, tháng 4 âm lịch, sau khi người dân kết thúc vụ mùa.

Lễ vật cúng đầu lúa mới gồm có: Con heo, gà luộc, cua, cá núi, giỏ lụa, gạo mới, cơm mới lúa núi, rượu cần, trầu cau, trứng gà, vải, áo, khăn, vòng tay, kèn đua cổ, dây lục lạc, cám gạo, canh đu đủ và bánh apéc. Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới thường diễn ra trong 2 ngày một đêm bao gồm các nghi lễ: Lễ cúng mời thần linh, lễ cúng tế thần linh, ông bà tổ tiên và lễ cúng hạ nêu.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đây là một tập quán có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai xã Phước Hà nhằm trả ơn thần linh, núi rừng, ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để con cháu, dân làng làm ăn mùa màng bội thu, gia đình đoàn kết, tộc họ mạnh khỏe, thôn xóm bình yên, no ấm. Đây còn là dịp để con cháu các gia đình, họ tộc của đồng bào Raglai gặp nhau thăm hỏi vào đầu năm mới; động viên, khen thưởng con cháu đạt thành tích cao trong sản xuất và học tập, gắn kết tinh thần đoàn kết trong xóm làng.

Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh nói chung và người Raglai xã Phước Hà nói riêng.