Điềm tĩnh có thể giúp bạn giải quyết vấn đề

Cuộc sống vốn dĩ có nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp làm cho chúng ta luôn phải đối mặt với những rắc rối. Vì vậy chúng ta phải biết cách giữ bình tĩnh và rèn luyện tất cả những khả năng vốn có của mình để giải quyết.

Điềm tĩnh được xem là thước đo của sự chín chắn, bản lĩnh của con người. Bản lĩnh của một người thể hiện ở việc người đó biết giữ cho tâm trạng ổn định, không để những cảm xúc tiêu cực điều khiển hành động cũng như suy nghĩ của mình. Người điềm tĩnh không dễ bị tác động bởi ngoại cảnh hay người khác làm chệch hướng suy nghĩ và hành động. Họ có thể kiểm soát tốt các trạng thái cảm xúc của bản thân, xử lý tốt các vấn đề trong giao tiếp và ứng xử. Họ có thể kiềm chế bản thân, tránh nóng giận, nhẹ nhàng, từ tốn và tự tin để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề hợp lý nhất. Nói ít, lắng nghe nhiều, điều đó giúp cho họ có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin cũng như có thời gian để suy xét cẩn thận mọi việc. Mọi người sẽ đánh giá cao họ qua cách hành xử và phong thái mà người đó thể hiện. Phong thái của những người điềm tĩnh đem đến thành công không chỉ cho riêng họ mà còn cho cả tổ chức mà họ tham gia.

Sự điềm tĩnh chính là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc sống. Nó giúp ta loại bỏ được những cảm giác tiêu cực, tập trung vào những suy nghĩ tích cực. Tình huống càng khó khăn thì việc giữ được điềm tĩnh càng giúp ta tìm ra được cách ứng xử hiệu quả, đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Sự điềm tĩnh không chỉ giúp tâm trí chúng ta thêm sáng suốt, chiếm được cảm tình của đối tác, mà còn giúp ta phát hiện được điểm mạnh, yếu của đối tác từ đó xây dựng một phương án làm việc hiệu quả. Ngược lại, mất bình tĩnh không thể là giải pháp tốt cho việc giải quyết vấn đề. Nếu làm việc gì cũng vội vàng, hấp tấp sẽ không đem lại hiệu quả cao mà còn khiến cho bản thân thêm mệt mỏi. Một khi đưa ra quyết định quá nhanh sẽ làm cho bạn không thể yên tâm về sự lựa chọn của mình.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta không tránh khỏi có đôi lúc nóng giận và để cảm xúc lấn át, chi phối hành vi của mình. Muốn giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống chúng ta cần phải rèn luyện kiểm soát cảm xúc khi giận, giữ được sự điềm tĩnh ngay lúc đó và cố gắng duy trì điều này cho đến khi điềm tĩnh trở thành thói quen. Để tránh áp lực cho bản thân hãy đơn giản hóa cuộc sống bằng những việc làm thật sự cần thiết, những việc chưa thật sự cần đến thì từ từ giải quyết. Có như vậy mọi vấn đề mới được giải quyết một cách thuận lợi, con đường đưa bạn đến thành công mới có thể rút ngắn lại.