Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06-NQ/TU), sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất, sản lượng; cơ cấu ngành Nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị, từng bước hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; giá trị sản xuất chủ động nước, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất tăng lên... Nhiều doanh nghiệp và người dân bước đầu mạnh dạn triển khai ứng dụng CNC vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; một số sản phẩm đặc thù của tỉnh từng bước khẳng định được thương hiệu, lợi thế cạnh tranh trên thị trường... góp phần gia tăng giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 tăng 4,21% so với năm 2021, đạt 100,9% kế hoạch.
Toàn cảnh Hội thảo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ một số tồn tại, hạn chế như: Mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC chưa phát triển đồng bộ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao, hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; việc thực hiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn còn bị vướng một số điều kiện hỗ trợ, một số hộ dân không tiếp cận được chính sách do không đủ điều kiện đối ứng. Hiện vẫn còn nhiều dự án đã cấp quyết định đầu tư nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc vướng đền bù giải phóng mặt bằng... Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, giúp các chủ thể dễ tiếp cận để sản xuất đạt hiệu quả.
Xuân Nguyên