Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Ngày 4/3/2023, đồng chí Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký ban hành văn bản số 754/UBND-TCD của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gởi các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho hàng trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ: Những năm vừa qua, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước về PCCC, đầu tư xây dưng được tăng cường. Tình hình cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra từng bước được kiềm chế góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều công trình xây dựng xen kẽ trong các khu dân cư, phần lớn các công trình này đều là tự phát, không được cấp giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất nông nghiệp và không phù hợp với quy hoạch, đưa vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, không bảo đảm an toàn về PCCC,...

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh diễn tập PCCC. Ảnh: Văn Nỷ

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng, PCCC trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đồng thời triển khai nghiêm túc Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Công văn số 4253/BXD-HĐXD ngày 21/9/2022 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường kiểm soát công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 56/2017/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận về ban hành Quy chế phân công và phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và đề nghị của Công an tỉnh tại Văn bản số 238/CAT-PC07 ngày 17/02/2023. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Công an tỉnh:

Tăng cường công tác nắm tình hình tại địa bàn cơ sở, tổ chức hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định; yêu cầu ngừng hoạt động, đình chỉ, tạm đình chỉ đối với cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao mà không đảm bảo an toàn, không bảo đảm yêu cầu về ngăn cháy lan, thoát nạn, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy,... đặt ra thời hạn khắc phục, tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện, sau thời hạn khắc phục tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật;

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ, ngành những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền của địa phương (nếu có), hoàn thành trước ngày 15/3/2023; đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ hằng năm tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm tra liên ngành đối với loại hình cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để diễn ra tình trạng các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC đưa vào hoạt động.

2. Sở Xây dựng:

Tham mưu UBND tỉnh có giải pháp xử lý đối với các công trình đã được cấp giấy phép xây dựng nhà ở nhưng chuyển đổi sang sử dụng làm kho hàng hóa, cơ sở sản xuất mà không làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng công trình theo quy định; hoàn thành trước ngày 15/3/2023.

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra các dự án quy hoạch, dự án công trình xây dựng mới, công trình cải tạo lại hoặc chuyển đổi tính chất, mục đích sử dụng nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế; chưa thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC; chưa được cấp phép xây dựng; chưa được nghiệm thu trước khi đưa vào hoạt động, hoặc phê duyệt, cấp phép chưa đúng quy trình theo quy định của pháp luật để có giải pháp xử lý, bảo đảm an toàn PCCC; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 3/2023. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị, cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về PCCC trước khi phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, giấy đủ điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư,...

Khi thẩm định quy hoạch dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp; thẩm định dự án và thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đối với công trình xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng; cấp giấy phép xây dựng (hoặc cấp phép xây dựng tạm) đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thì phải yêu cầu chủ đầu tư xuất trình văn bản về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với dự án và thiết kế cơ sở hoặc giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng các quy định pháp luật về đất đai, môi trường;

Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, nghiên cứu, đề xuất di dời các cơ sở kinh doanh, sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư ra khỏi khu dân cư hoặc khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Sở Công Thương:

Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, nghiên cứu, đề xuất di dời các cơ sở sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

5. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:

Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến; kiểm tra, rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền có nguy hiểm về cháy, nổ cao, kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; hoàn thành trong tháng 3/2023.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các đơn vị để các cơ sở sai phạm xây dựng trái phép, để cơ sở vi phạm kéo dài mà không có biện pháp hướng dẫn thực hiện, xử lý vi phạm theo quy định. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm 100% cơ sở vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với cơ sở không tổ chức khắc phục; không để phát sinh các cơ sở xây dựng trái phép trên địa bàn; nội dung này cần thực hiện xong và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh, đồng gửi Công an tỉnh, Sở Nội vụ trong tháng 4/2023.

Phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra các dự án, công trình xây dựng mới, cải tạo lại hoặc chuyển đổi tính chất, mục đích sử dụng... trên địa bàn nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế; chưa thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC; chưa được cấp phép xây dựng; chưa được nghiệm thu trước khi đưa vào hoạt động, hoặc phê duyệt, cấp phép chưa đúng quy trình theo quy định của pháp luật để có giải pháp xử lý, đảm bảo an toàn PCCC đối với các dự án công trình xây dựng trên địa bàn quản lý; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Khi phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đối với các dự án công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thì phải yêu cầu chủ đầu tư xuất trình văn bản về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với dự án và thiết kế cơ sở hoặc giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với thiết kế kỹ thuật của cơ quan PCCC có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ;

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý; chế độ thông tin báo cáo định kỳ đối với công tác quản lý trật tự xây dựng và PCCC trên địa bàn theo phân cấp.

Nhận được Công văn này, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả; quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra kết quả triển khai thực hiện các nội dung văn bản này bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Trường hợp cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng công trình xây dựng trái phép, không được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC mà vẫn đưa vào hoạt động trên địa bàn thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.