Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ mục đích thu hồi đất

Tách bạch, làm rõ nội hàm về các mục đích thu hồi đất; trên cơ sở đó, Nhà nước xây dựng đơn giá đền bù phù hợp, người dân dễ dàng chấp nhận đồng thời khắc phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất.

Đây là đề xuất của nhiều đại biểu tại Hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức sáng 9/3.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là dự luật quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo tỉnh Thái Bình cho rằng, khiếu kiện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã và đang diễn ra gay gắt, phức tạp. Việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân như việc thu hồi đất không được thực hiện công khai, khách quan, dân chủ. Giá đền bù thấp, phương án tái định cư, hỗ trợ người dân khi bị thu hồi chưa rõ ràng, minh bạch...

Từ thực trạng này, ông Bùi Văn Phòng đề nghị dự thảo Luật cần tách bạch, làm rõ nội hàm về 3 mục đích thu hồi đất gồm: Quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia công cộng; Phát triển kinh tế - xã hội; giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền.

Ngoài ra, cần thành lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất. Theo đó, dự thảo Luật cần quy định việc thành lập tổ chức tư vấn định giá đất chuyên nghiệp trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Tổ chức này độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đất.

"Hiệu quả của việc tách bạch mục đích thu hồi đất, lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất không chỉ giúp cho việc thu hồi đất thuận lợi mà còn là giải pháp tích cực phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong thu hồi đất", ông Bùi Văn Phòng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Phòng cũng đề xuất giữ nguyên trách nhiệm hòa giải tranh chấp đất của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn như Luật hiện hành (Điều 202). Đây là chủ trương rất nhân văn, được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật về dân sự, hành chính và đất đai của Nhà nước ta. Thực tế cho thấy, nếu làm tốt hòa giải ở cơ sở thì khiếu kiện sẽ dứt điểm, giữ được tình làng, nghĩa xóm, tình cảm gia đình; củng cố niềm tin của người dân vào cơ quan Nhà nước.

Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đề nghị, dự thảo Luật nên có quy định phù hợp đối với diện tích đất thổ cư tối đa được sở hữu cho một hộ gia đình. Quá trình thực hiện tách sổ, tách hộ đã gặp vướng mắc, nhiều hộ gia đình cha mẹ trao quyền thừa kế về đất đai cho các con, có trường hợp đất ở chia cho 3-4 người con thì diện tích đất ở quá nhỏ không đủ điều kiện làm sổ đỏ. Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý cũng đề nghị tăng hạn mức đất ở để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Góp ý vào Điều 145 dự thảo Luật liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật nên quy định theo hướng: Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý; đồng thời phải thực hiện đăng ký biến động.

Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần bổ sung thêm quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy kiến người dân về việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư.

Đối với quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cần xem xét quy định cho thuê đất trong trường hợp hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm. Thời gian này thường ngắn làm mất tính ổn định, do vậy đề nghị giữ nguyên quy định cũ, không cho phép chuyển nhượng, thế chấp trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, luật sư đã tập trung góp ý cho 9 nhóm nội dung gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cơ chế, chính sách, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Theo TTXVN/Báo Tin tức