Hiệu quả chuyển đổi sản xuất muối chất lượng cao

Ninh Thuận là tỉnh dẫn đầu về quy mô diện tích và sản lượng muối của cả nước. Bằng nhiều giải pháp, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến muối.

Nghề sản xuất muối của tỉnh tập trung chủ yếu ở các xã: Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải), Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh (Thuận Nam). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 ha đất làm muối, trong đó diện tích muối công nghiệp là 2.447 ha, sản lượng trung bình gần 258.000 tấn/năm và 631 ha muối diêm dân, sản lượng trung bình đạt khoảng 185.069 tấn. Sản lượng muối hằng năm đạt cao, tuy nhiên phần lớn muối được bán dưới dạng nguyên liệu thô, sản phẩm muối chế biến chỉ dừng lại ở mức chế biến đơn giản. Nguyên nhân do trước đây đa phần bà con diêm dân chủ yếu làm muối nhỏ lẻ, thủ công bằng cách bơm nước biển vào ruộng để muối kết tinh trên nền đất, với cách làm này, hạt muối thường lẫn tạp chất, giá bán thấp và thường bị thương lái ép giá khi vào chính vụ.

Trước những hạn chế đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ bà con diêm dân đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn kỹ thuật sản xuất muối chất lượng cao, muối sạch cho diêm dân; tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh để mang lại năng suất, chất lượng cao hơn; thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm muối cho diêm dân. Bà Trần Thị Tân, diêm dân ở xã Tri Hải cho biết: Để làm muối trải bạt, chi phí đầu tư ban đầu ước tính khoảng 100 triệu đồng/sào. Ưu điểm là thời gian nước biển bốc hơi và hạt muối kết tinh chỉ mất khoảng 5 ngày, hạt muối kết tinh trắng đẹp và không có tạp chất, diêm dân không phải tốn công để san lấp mặt bằng ruộng hằng năm như làm muối nền đất. Tuy đầu tư trải bạt cho ruộng muối cao, nhưng bù lại giá bán và năng suất của ruộng muối có trải bạt luôn đạt cao hơn 25-35% so ruộng muối đất. Với những ưu điểm này, nên nhiều diêm dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ trải bạt, khoan giếng sử dụng nước ngầm, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt.

Sản xuất muối công nghiệp ở thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh (Thuận Nam).

Xã Phương Hải có trên 90 ha ruộng muối, trong đó, HTX Sản xuất - Kinh doanh muối Phương Hải hiện đang liên kết, thu mua muối của hơn 40 hộ với diện tích trên 40 ha, sản lượng thu mua hằng tháng từ 2.000-3.000 tấn muối. Trước đây, bà con ai mua thì bán, nay có HTX thu mua giúp ổn định giá cả hơn. Diêm dân Mai Ngọc Minh, cho biết: Gia đình đang làm 1,5 ha ruộng muối trải bạt, cho năng suất cao hơn từ 15-20 tấn/ha so với cách làm muối truyền thống, giá muối bán cho HTX từ 700-900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 55 triệu đồng.

Ngoài việc đầu tư công nghệ trải bạt, nhiều đơn vị đã cải tiến công nghệ sản xuất muối sạch để tăng năng suất, chất lượng muối. Có thể kể đến HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ muối Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, đơn vị áp dụng công nghệ sản xuất muối sạch theo phương pháp phơi cát truyền thống cải tiến. Ông Trần Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ: Công nghệ sản xuất đã cho sản phẩm sạch có năng suất cao hơn sản xuất muối thường 2-3 lần, đạt chất lượng muối thượng hạng theo tiêu chuẩn TCVN 3974-84, thu nhập của người làm muối tăng 2-2,5 lần, giúp nhiều hộ thành viên vươn lên thoát nghèo, sản phẩm được tiêu thụ hết. Cùng với đó, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm muối sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 6 doanh nghiệp (DN) chế biến, 4 DN kinh doanh muối, công suất chế biến trung bình khoảng 200.000 tấn/năm, với các sản phẩm như: Muối tinh, muối tinh sấy, muối tinh iốt, muối sấy iốt... 100% DN chế biến muối được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có 2 DN được chứng nhận ISO 22000 đáp ứng yêu cầu của các đối tác, tập đoàn sản xuất thực phẩm, hóa phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm lớn trong và ngoài nước.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển bền vững nghề sản xuất muối sạch, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tạo điều kiện cho diêm dân khai thác tốt tiềm năng lợi thế sẵn có thông qua thực hiện các chính sách tháo gỡ vướng mắc về vốn. Tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa... Bố trí kinh phí triển khai xây dựng mô hình, đào tạo nghề, kiểm tra, hướng dẫn các HTX, diêm nghiệp áp dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. Trọng tâm là tập trung phát triển sản xuất theo các liên kết cánh đồng lớn, trong đó các HTX làm nòng cốt và cung ứng các dịch vụ chung cho thành viên để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm cải thiện đời sống cho diêm dân.