Tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đến hết năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đối với cấp tỉnh tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 37,1% (mục tiêu 55%); cấp huyện đạt 21,9% (mục tiêu 40%); cấp xã đạt 11,4% (mục tiêu 20%). Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) qua DVCTT còn thấp; một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, chưa ưu tiên thời gian, nguồn lực và chưa đề ra lộ trình cụ thể; tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến còn hạn chế ở một số sở, ngành như: Đăng ký biến động đất đai; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe (nằm trong 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06); công tác thanh toán trực tuyến, thanh toán không tiền mặt có tăng nhưng chưa cao; việc cập nhật và số hóa hồ sơ TTHC ngay từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả giải quyết chưa đồng bộ cả hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử...

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết TTHC và nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng hiệu quả triển khai thực hiện DVCTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ngày 20/2/2023, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Công văn số 552/UBND-PVHCC yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả DVCTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là tổ chức quán triệt, xác định việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các DVCTT để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN); tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN tích cực tham gia DVCTT; khuyến khích người dân, DN sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, xem đây là dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết TTHC, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện quét (scan), lưu trữ, số hóa hồ sơ, cập nhật tất cả các hồ sơ tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 15 hằng tháng.

Cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ số
để xử lý hồ sơ cho người dân. Ảnh: V.Nỷ

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, đề xuất cắt giảm các DVCTT có từ 3 năm trở lên không phát sinh hồ sơ; rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc các TTHC, các quy định về thành phần hồ sơ để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, hỗ trợ thiết thực cho người dân, DN; chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị; lựa chọn, triển khai thí điểm việc chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với một số TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, dễ thực hiện; kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân và DN liên quan đến việc thực hiện các DVCTT.

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo bộ phận một cửa cùng cấp và bộ phận một cửa cấp xã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; thường xuyên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức một cửa các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; chỉ đạo công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN thực hiện việc lập và nộp hồ sơ trực tuyến, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của huyện, xã trên địa bàn.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông trong tháng 2/2023 khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đồng thời trong thời gian từ nay đến tháng 8/2023 hoàn thành các công việc: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cấp hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh phù hợp với yêu cầu kết nối chia sẻ dữ liệu, có thể chạy trên các nền tảng di động; tích hợp 100% các DVCTT đủ điều kiện của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động kết nối, chia sẻ cơ sở dự liệu (CSDL) chuyên ngành, CSDL quốc gia, hình thành CSDL dùng chung của tỉnh, trước mắt tập trung kết nối CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký DN, bảo hiểm và CSDL hộ tịch của Bộ Tư pháp để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, giảm giấy tờ cho người dân, DN khi thực hiện các DVCTT của tỉnh. Nghiên cứu triển khai DVCTT được cá thể hóa; triển khai nền tảng trợ lý ảo có thể cá thể hóa theo nhu cầu của cá nhân nhằm phục vụ tối đa cho người dân, DN trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường trong tháng 2/2023 phối hợp với UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thống nhất việc thống kê số liệu hồ sơ TTHC của các Văn phòng Đăng ký đất đai theo đúng thẩm quyền giải quyết của từng đơn vị. Chỉ đạo kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh lại việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC của các Văn phòng Đăng ký đất đai các cấp, đảm bảo đúng quy định, không để người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh việc các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận hồ sơ nhưng trả kết quả chậm trễ hoặc trả lại hồ sơ như trong thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 3/2023 triển khai các giải pháp nhằm nâng cao số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tại Văn phòng Đăng ký đất đai các cấp.

Các đơn vị: Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe (nằm trong 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06), đảm bảo hoàn thành trong tháng 4/2023. Triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với các thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe bắt đầu từ tháng 2/2023. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu thành lập Tổ kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các sở, ngành, địa phương do 1 đồng chí lãnh đạo sở làm Tổ trưởng và bắt đầu kiểm tra từ tháng 3/2023; khẩn trương tham mưu việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình giải quyết TTHC trực tuyến, sử dụng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của tập thể, cá nhân.

Các đơn vị truyền thông: Đài Phát thanh Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận tích cực tăng cường đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền về cách thức thực hiện TTHC trên môi trường mạng; kết quả triển khai thực hiện, gương điển hình, các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện DVCTT để chuyển tải thông tin đến người dân, DN tham gia hưởng ứng và thực hiện.